THAM NHŨNG VẶT HÀNH ĐỘNG CẦN LÊN ÁN


Thời gian gần đây, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tuy nhiên, trong đời sống thực tiễn hiện nay, tình trạng tham nhũng vặt và những hệ quả của nó trong các vấn nạn xã hội, đang hàng ngày hàng giờ tác động ảnh hưởng lớn tới cuộc sống sinh hoạt của mỗi người dân.
 Tham nhũng vặt, nhưng hệ lụy của nó là rất lớn: Một trong những hiện tượng phổ biến trong xã hội mà bấy lâu nay được mọi người đặt cho cái tên là “tham nhũng vặt”. Trước tiên, một trong những hiện tượng mà ai cũng biết đó là: tệ nạn “phong bì” với tư tưởng “ đồng tiền đi trước đồng tiền khôn”. Do đó, đã không ít người trước khi đến gặp bác sĩ, y tá, điều dưỡng hay các nhân viên xếp số tại các phòng khám trong các bệnh viện mang theo phong bì lo lót cửa sau. Trong cả nước để “phục vụ nhân dân” như: việc cấp, đổi chứng minh thư, thẻ căn cước, hộ chiếu, hộ khẩu, sổ đỏ, giấy khai sinh, khai tử, giấy đăng ký kết hôn, giấy phép xây dựng… hay tình trạng ăn bớt, ăn chặn tiền, quà trợ cấp khó khăn, trợ cấp nhân đạo, ủng hộ thiên tai… của một số cán bộ chính quyền tại các địa phương mỗi khi có các đợt ủng hộ và hoạt động nhân đạo. Tất cả những hành vi vụ lợi này chính là “tham nhũng vặt”.
Hệ lụy của tệ tham nhũng vặt đó là cản trở quá trình luật pháp hóa các thiết chế xã hội và kéo lùi sự phát triển của cả xã hội đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Một khi trong xã hội hiện tượng nhà nhà, người người tìm mọi cách lách luật để giành lấy lợi thế cho mình thì đồng nghĩa với việc là phá vỡ quy định: tất cả mọi người dân đều bình đẳng trước Hiến pháp và pháp luật.  Như vậy, chính hệ lụy này không những làm chậm quá trình phát triển trong nước, mà còn cản trở cơ hội hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tiếp theo đó là tình trạng mất niềm tin nghiêm trọng của quần chúng nhân dân đối với bộ máy công quyền nhà nước cũng như những người thay mặt Nhà nước thực thi pháp luật hàng ngày.
Mặc dù, công cuộc cải cách hành chính được triển khai sâu rộng trong nhiều năm qua với rất nhiều khẩu hiệu và mục tiêu hành động như “một cửa, một dấu”, “một cửa liên thông”, “tất cả vì sự hài lòng của người dân”… nhưng trong thực tế người dân muốn nhanh, gọn, sớm thì đều phải chi tiền lót tay, tiền bồi dưỡng. Đã có rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười của người dân khi đến cửa quan được báo chí phản ảnh. Trong đó, vô cảm nhất là việc người dân khi đi làm giấy đăng ký khai tử cho người thân cũng bị nhân viên tư pháp hẹn lên hẹn xuống. Đau xót hơn là thái độ vô cảm không chỉ diễn ra giữa những người thực thi pháp luật, chính sách của nhà nước với người dân mà còn diễn ra trong chính nội bộ đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy công quyền của chúng ta.
 Đấu tranh phòng chống tham nhũng vặt là trách nhiệm của toàn Đảng, của mọi người dân: Từ những hiện tượng phản ảnh ở trên, mỗi chúng ta những con người có trách nhiệm với đất nước, thiết nghĩ ai cũng phải tự đặt cho mình một đòi hỏi, cần có trách nhiệm với việc đấu tranh, phòng chống “tham nhũng vặt”. Để đạt được mục tiêu này, trước hết chúng ta cần phải đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đạo đức cho đội ngũ công chức, những người thực hiện giải quyết các công việc của Nhà nước, trong đó có việc phục vụ lợi ích và quyền lợi chính đáng của người dân. Các cơ quan Nhà nước đều phải kịp thời cung cấp, công khai thông tin, định hướng tuyên truyền về công tác phòng chống tham nhũng, trong đó cần nhấn mạnh đến tệ “tham nhũng vặt”, công khai đường dây nóng để phản hồi về thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ phục vụ.
Tuyên truyền rộng rãi về quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên, kiên trì rèn luyện cho đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước đức tính liêm chính, chí công, vô tư, tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục rà soát, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, chú trọng việc nâng cao ý thức thực hiện pháp luật của người dân, không tiếp tay cho tham nhũng vặt và khuyến khích mọi người dân nêu cao tinh thần phát hiện tố giác mọi cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng vặt. Chỉ khi nào ý thức tuân thủ pháp luật của người dân trở thành một nhu cầu thiết yếu như cơm ăn, áo mặc hàng ngày thì chắc chắn sẽ không còn chuyện lách luật, lựa luật hay bất chấp pháp luật để đạt được mục đích của mình.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín… Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc những sai phạm của đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước trong công cuộc phục vụ nhân dân. Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình và đưa tiêu chí phục vụ thuận tiện, hài lòng cho người dân trở thành một mục trong nhận xét, đánh giá kết quả hoàn thành công việc của đội ngũ cán bộ, công chức trong thời gian tới./.
ĐINHBINH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC