FACEBOOK ĐÃ HÀNH ĐỘNG ĐÚNG VỚI LUẬT PHÁP VIỆT NAM


Vừa qua, Đài Châu Á tự do (RFA) và trang Facebook Việt Tân đã cho rằng: facebook chậm là do Việt Nam chặn, buộc facebook phải kiểm duyệt các bài viết chống đối chế độ; hay “Facebook lại giới hạn truy cập nội dung của Đài Á Châu Tự Do tại Việt Nam!”, với nội dung chủ yếu là “oán trách” khi cho rằng, việc làm này của Facebook sẽ làm tổn hại đến “lợi ích của người dân và của chính tập đoàn này”(!).
          Trước hết cần khẳng định rằng, Việt Nam cũng như bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào kiểm duyệt facebook hay bất kỳ tổ chức nào hoạt động trên đất nước mình là điều tất yếu. Việt Nam là quốc gia độc lập có chủ quyền, có hệ thống luật pháp riêng vừa phù hợp với thực tiễn Việt Nam, vừa phù hợp với luật pháp, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Mọi tổ chức, công dân Việt Nam hay hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều phải “Sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật” và nếu như vi phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định. Đây cũng chính là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mọi tổ chức, công dân Việt Nam hay hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có Facebook. Việc Facebook giới hạn truy cập nội dung của Đài Á Châu Tự Do tại Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện rõ việc tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân ở Việt Nam và chính Facebook. Đồng thời đưa đến bạn đọc một mạng xã hội “sạch”, không bị nhiễm bẩn. Thế chẳng cần thiết lắm sao?
          Thực tế cho thấy, quyền tự do thông tin trên internet, mạng xã hội của mọi tổ chức, cá nhân ở Việt Nam được đảm bảo bằng pháp luật và trên thực tế. Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật như: Bộ luật Hình sự năm 2017, Luật Công nghệ thông tin, Luật an toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng,… gần đây nhất là Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử nhằm bảo vệ quyền, lợi ích tổ chức, cá nhân trên không gian mạng. Cùng với đó, Nhà nước Việt Nam tăng cường mở rộng hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế có trình độ phát triển cao về an ninh mạng để học tập, tiếp thu công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, v.v. Các cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân được sử dụng internet, mạng xã hội, đảm bảo đúng quy định pháp luật, thực sự “ích nước, lợi nhà”; yêu cầu các tập đoàn truyền thông như: Google, Facebook… gỡ bỏ các clip, tài khoản có nội dung xấu, độc hại, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc và xâm phạm an ninh quốc gia nước ta, cam kết chấp hành pháp luật trong quá trình hoạt động ở Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh việc phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng có hoạt động lợi dụng internet, mạng xã hội để xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, v.v. Đến nay, Facebook đã trở thành mạng xã hội được người Việt Nam ưa thích sử dụng, trở thành nơi học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, chia sẻ, gắn kết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau của tổ chức, cá nhân trong mọi công việc trên mọi miền đất nước và thế giới. Có thể khẳng định rằng, Việt Nam đã mang lại lợi ích to lớn cho Facebook.
          RFA thực chất là một cơ quan báo chí (phát thanh 09 thứ tiếng qua làn sóng ngắn và internet đến các nước Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Campuchia, Việt Nam, Triều Tiên) được tài trợ và hoạt động phục vụ cho những tổ chức, cá nhân chống cộng cực đoan. Hằng ngày, trên RFA đầy rẫy những thông tin sai sự thật nhằm xuyên tạc, bôi nhọ đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách và pháp luật của Nhà nước; việc bảo đảm nhân quyền, v.v. Lợi dụng tiện ích của Facebook và tâm lý ưa thích sử dụng mạng xã hội này của người Việt, RFA thường xuyên đưa các thông tin lên Facebook. Hành động này là vi phạm pháp luật Việt Nam nhất thiết phải ngăn chặn, nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có Facebook sinh sống, hoạt động ở Việt Nam.
          Thứ hai, có giữ vững ổn định thì mới có sự phát triển đất nước. Họ viết: “Việt Nam đã ưu tiên đặt mục tiêu kiểm duyệt không gian tự do trên mạng xã hội nhằm dẹp bỏ những ý kiến bất đồng đang thách thức sự tồn vong của chế độ, lên trên mọi thứ khác, kể cả thịnh vượng quốc gia” là không đúng. Việt Nam ưu tiên cả hai, vừa giữ vững ổn định chính trị xã hội, vừa phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thịnh vượng quốc gia. Đất nước không thể phát triển nếu mất ổn định chính trị - xã hội. Hậu quả của đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế mỗi nước, và cả thế giới cho thấy rõ điều ấy. Một đại dịch xảy ra, làm mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư đều đảo lộn. Sản xuấ bị đình trệ, đời sống khó khăn chồng chất khó khăn, ai cũng nhận thấy, gia đình nào cũng bị ảnh hưởng với những mức độ khác nhau. Vấn đề này đã chứng minh, việc nước ta kiểm duyệt những ý kiến bất đồng, thách thức sự tồn vong của chế độ là tất yếu. Việc làm đó là để tạo sự ổn định chính trị xã hội cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nên rất cần thiết. Điều đó một lần nữa bác bỏ ý kiến cho rằng, Việt Nam đặt kiểm duyệt mạng xã hội hơn sự phát triển thịnh vượng quốc gia là cách nói hời hợt, chỉ nhìn thấy hiện tượng, cố tình không hiểu bản chất để lu loa với dụng ý xấu - chống chế độ.
          Như vậy, việc Facebook hạn chế các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam tiếp cận RFA trên trang mạng của mình là hành động hoàn toàn đúng đắn với luật pháp của Việt Nam. Đó chỉ là bước đầu, nếu RFA tiếp tục vi phạm có lẽ Facebook sẽ ngăn chặn vĩnh viễn./. 
THÁI HÒA

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC