NGƯ DÂN QUYẾT TÂM BÁM BIỂN, KHẲNG ĐỊNH CHỦ QUYỀN THIÊNG LIÊNG CỦA TỔ QUỐC


Những ngày qua cũng như trước đây, hàng vạn ngư dân nước ta vẫn vươn khơi bám biển, bất chấp lệnh cấm đơn phương và trái phép của Trung Quốc. Từ bao đời nay, biết bao thế hệ ngư dân đã cha truyền con nối ra khơi đánh bắt hải sản trên những ngư trường truyền thống, những vùng biển thuộc chủ quyền hiển nhiên của Tổ quốc. Lệnh cấm ngang ngược, phi pháp của Trung Quốc không thể ngăn ngư dân của chúng ta giương buồm thẳng tiến vùng biển truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Mặc cho phía Trung Quốc thông báo quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Những ngày này, hàng vạn con tàu của ngư dân dọc bờ biển dài hàng nghìn km của đất nước hình chữ S vẫn ngày đêm vươn khơi khai thác hải sản ở những ngư trường truyền thống bao đời nay. Họ vẫn giong buồm tiến thẳng ra biển khơi bất chấp lệnh cấm trái phép của Trung Quốc đối với hoạt động đánh bắt hải sản từ 12h ngày 1-5 đến 12h ngày 16-8-2020 trên các vùng biển.
Đây không phải là lần đầu Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt phi lý, phi pháp này và cũng chẳng phải lần đầu khiến ngư dân của chúng ta e sợ và chùn bước. Trung Quốc từ năm 1995 bắt đầu thi hành lệnh cấm đánh bắt hải sản thường niên với lý lẽ bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đại dương khỏi nguy cơ đánh bắt quá mức, trong đó đơn phương áp đặt lệnh cấm này ở Biển Đông từ năm 1999. Và sẽ là bình thường nếu lệnh cấm đánh bắt hải sản của Trung Quốc chỉ đối với những vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của nước này. Điều bất bình thường và bất hợp pháp cũng như nguy hiểm là phạm vi áp đặt của lệnh cấm đơn phương này bao trùm cả các vùng biển của những bên liên quan khác trong khu vực, trong đó có những vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông.
Vì thế, núp dưới cái gọi là “bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đại dương khỏi nguy cơ đánh bắt quá mức”, Trung Quốc đã tinh vi lồng ghép vào đó yêu sách chủ quyền bất hợp pháp ở Biển Đông trái với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Điều này càng thấy rõ hơn khi đi liền với lệnh đánh bắt cá, Trung Quốc tăng cường triển khai một đội ngũ tàu chấp pháp đông đảo như hải giám, hải cảnh… với những con tàu sắt to lớn hàng nghìn, hàng vạn tấn để thực hiện cái gọi là “truy bắt và xử phạt” các trường hợp vi phạm lệnh cấm đơn phương và trái phép mà họ áp đặt. Lệnh cấm đánh bắt trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông vì thế chính là một công cụ để nước này hiện thực hóa yêu sách đòi chủ quyền vốn đã bị bác bỏ theo luật pháp quốc tế và vô giá trị với các bên liên quan khác. Lệnh cấm đơn phương này, dưới góc độ nào đó, chẳng khác nào chiếc bẫy chủ quyền tinh vi mà Trung Quốc giương lên ở Biển Đông, ngư dân của bên liên quan nào nếu lo sợ, e ngại trước sự sự uy hiếp của những con tàu chấp pháp hung hăng sẽ bị “sập” chiếc bẫy chủ quyền mà họ giăng ra, gián tiếp công nhận chủ quyền theo yêu sách phi lý và phi pháp.
Hội Nghề cá Việt Nam khẳng định lệnh cấm đơn phương của Trung Quốc là hành động hết sức phi lý, đã xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan. Hội Nghề cá Việt Nam tuyên bố, lệnh cấm của Trung Quốc không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển ngày 11-5 đã khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh cá đối với những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là không có giá trị. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố ven biển động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam; hướng dẫn tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển.
Lệnh cấm đánh bắt trái phép cùng những hành vi hung hăng, dọa nạt, thậm chí bắt nạt của Trung Quốc cũng chưa khi nào khiến ngư dân chúng ta lo sợ, chùn bước. Chúng ta có biết bao những ngư dân như “Sói biển” Mai Phụng Lưu, người từng 4 lần bị các con tàu to lớn của Trung Quốc đâm chìm, phá phách tàu, ngư cụ, bắt giữ… song vẫn quyết đạp sóng thẳng tiến Hoàng Sa để vừa làm kinh tế vừa khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên quần đảo này.
Đối những ngư dân bao đời vươn khơi bám biển, vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa là ngư trường truyền thống mà hàng trăm năm trước cha ông đã đổ xương máu, đạp sóng ra đây để đo đạc hải trình, dựng bia cắm mốc chủ quyền, thì không thể để một tấc biển, đảo rơi vào tay kẻ khác dù kẻ đó là ai và hung hăng tới đâu… Đây không phải là vì kế sinh nhai từ ngàn đời mà còn là nhiệm vụ bảo vệ, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi con tàu cá của ngư dân với là cờ đỏ sao vàng trên nóc chính là một cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông.
ĐÔNG GIANG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC