Ý NGHĨA CHIẾN THẮNG PHÁT XÍT


Cách đây 75 năm (9/5/1945 - 9/5/2020), cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô-viết không chỉ cứu nhân loại thoát khỏi nạn diệt chủng của chủ nghĩa phát xít, hậu thuẫn cho phong trào giải phóng dân tộc ở các châu lục giành thắng lợi, mà còn tạo ra những nhân tố thời đại loài người tiến bộ trên thế giới loại trừ chiến tranh ra khỏi đời sống của mình. Chiến thắng phát xít Đức trở thành thiên hùng ca chói lọi trong lịch sử nhân loại ở thế kỷ XX, nó có tác động sâu xa đến tiến trình phát triển của toàn thế giới.
Sau khi làm chủ châu Âu, Hítle dự tính, Đức sẽ “đánh bại nước Nga bằng một cuộc chiến tranh chớp nhoáng - trong vòng từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng - trước khi kết thúc chiến tranh với Anh”. Đi đôi với kế hoạch xâm lược về quân sự là kế hoạch cướp bóc tài nguyên và tàn sát người Nga một cách man rợ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhân dân Liên Xô đã đứng dậy, chiến đấu oanh liệt bảo vệ đất nước trong điều kiệt hết sức khó khăn.
Tháng 12/1941, Hồng quân Liên Xô dưới sự chỉ huy của Tướng G.K.Giucốp đã chuyển sang phản công ở Mátxcơva và đẩy lùi quân đội phát xít Đức ra khỏi Mátxcơva. Với thắng lợi ở trận này của Hồng quân Liên Xô đã nâng cao vị trí của Liên Xô trên trường quốc tế và nhân dân thế giới đòi hỏi phải liên minh với Liên Xô. Ngày 01/0l/1942, tại Oasinhtơn, đại diện lãnh đạo 26 nước, trong đó có Liên Xô, Mỹ và Anh đã ký kết bản “Tuyên bố Liên hợp quốc” chống phát xít trên thế giới.
Mùa hè năm 1942, Hítle một lần nữa dốc toàn lực lượng vào mặt trận Xô - Đức, nhằm chiếm bằng được Xtalingrát (nay là Vongagrat). Ngày 21/8/1942, quân đội Liên Xô buộc phải chuyển từ tuyến phòng ngự bên ngoài Xtalingrát vào tuyến bên trong. Từ 13/9/1942, cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra ngay trong thành phố Xtalingrát lúc này trở thành “nút sống” của Liên Xô. Quyết không lùi một bước, các chiến sĩ Xô viết bảo vệ Xtalingrát đã chiến đấu bền bỉ tới giọt máu cuối cùng để giữ vững từng vị trí, từng tấc đất của thành phố. Ngày 19/11/1942, quân đội Liên Xô chuyển sang tấn công ở Xtalingrát. Trận Xtalingrát đã đi vào lịch sử nhân loại như một trong những trận đánh tiêu biểu nhất về nghệ thuật quân sự cũng như về ý nghĩa xoay chuyển toàn cục cuộc chiến tranh. Quân Đức đại bại ở mặt trận Liên Xô, không còn đủ sức chống đỡ nên bị quân Mỹ - Anh dồn lên khu vực Đông Bắc Tuynidi và phải hạ khí giới vào ngày 12/5/1943.
Mùa hè năm 1944, Hồng quân tiến vào giải phóng các nước vùng Ban Tích, đánh đuổi quân Phần Lan ra khỏi biên giới Xô - Phần và buộc Phần Lan phải ký hiệp định đình chiến với Liên Xô ngày 19/9/1944. Sau khi giải phóng hoàn toàn Tổ quốc, quân đội Liên Xô tiến vào giải phóng Ba Lan, Rumani, Bungari, Nam Tư, Anbani và một phần đáng kể lãnh thổ Tiệp Khắc, Hunggari và Áo.
Ngày 16/4/1945, Liên Xô mở trận tấn công vào Béclin, sào huyệt cuối cùng của phát xít Hítle. 5 giờ sáng 16/4/1945, sau 30 phút cho pháo bắn cực mạnh và máy bay oanh tạc dữ dội vào trận địa phòng ngự của quân Đức, 140 đèn chiếu đặt mỗi cái cách nhau 200 mét đồng loạt bật sáng lên với hơn 100 tỉ nến chiếu sáng làm lóa mắt quân địch, bộ binh và xe tăng Hồng quân tiến lên vượt qua trận địa phòng ngự đầu tiên của quân Đức. Ngày 19/4, quân Đức bị đẩy lùi về vành đai phòng thủ ở ngoại vi Béclin. Ngày 21/4, Hồng quân đã tiếp cận đến trung tâm Béclin. Chiều 30/4/1945, quân đội Liên Xô đã chiếm được bộ phận chủ yếu của tòa nhà Quốc hội Đức, dinh luỹ cuối cùng của bọn phát xít Hítle. Trận đánh chiếm nhà Quốc hội là một trận đẫm máu.
Trong thế cùng, Hítle và Gơben đã tự sát. 15 giờ ngày 30/4, cờ đỏ đã cắm trên nóc tòa nhà Quốc hội. Ngày 2/5, Hồng quân chiếm toàn thành phố Béclin. Vào lúc 22 giờ 43 phút ngày 8 tháng 5 năm 1945 theo giờ Berlin (tức 0 giờ 43 phút ngày 9 tháng 5 theo giờ Mátxcơva), trước đại diện Bộ Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên Xô và Bộ Tổng chỉ huy quân Đồng minh, Thống chế Tổng tư lệnh quân đội Đức - Câyten đã ký vào văn bản đầu hàng không điều kiện, chấm dứt chiến tranh thế giới thứ hai tại châu Âu - cuộc chiến tranh tàn khốc nhất, đổ máu nhiều nhất và khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. 72 quốc gia đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh, nó đã cướp đi sinh mạng của hơn 60 triệu người, khoảng 90 triệu người bị tàn phế, thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 4.000 tỷ USD. Tiếp đó, tháng 9/1945, quân đội Xô viết đã tiến công tiêu diệt đội quân Quan Đông tinh nhuệ, buộc phát xít Nhật phải ký Hiệp ước đầu hàng, kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.
Chiến thắng phát xít là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất ở thế kỉ XX, mang tầm vóc, giá trị và ý nghĩa thời đại vô cùng sâu sắc. Chiến thắng đó không những nâng cao uy tín về chính trị cũng như vị thế Quốc tế mới của Liên Xô trên trường quốc tế, mà còn tạo cơ sở kinh tế xã hội cần thiết cho một nền hòa bình chân chính. Sau chiến thắng phát xít, nhân dân các nước thuộc địa ở Châu Á, Châu Phi và Mỹ La tinh đã vùng lên mạnh mẽ đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước theo con đường phù hợp với mình. Đồng thời, chính chiến thắng phát xít đã tạo dòng thác cách mạng mạnh mẽ. Đó là dòng thác cách mạng xã hội chủ nghĩa, cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng đấu tranh vì dân sinh, dân chủ.
Đặc biệt, chiến thắng phát xít cũng đã tạo ra thời cơ “có một không hai” cho cách mạng Việt Nam. Được tiếp sức bởi thắng lợi lịch sử này, nhân dân Việt Nam đã đứng lên giành độc lập dân tộc, thực hiện thành công cuộc cách mạng tháng Tám lịch sử năm 1945, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bắt đầu một chặng đường lịch sử mới đầy vẻ vang và tự hào của dân tộc Việt Nam. Tinh thần quốc tế cao cả và sự ủng hộ mọi mặt của các dân tộc Liên Xô anh em đã góp phần quan trọng để nhân dân Việt Nam viết nên bài ca khải hoàn với đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp một nhà. Những thắng lợi của dân tộc Việt Nam nói riêng, nhân dân yêu chuộng hòa bình nói chung chính là sự tiếp nối và viết tiếp bản hùng ca thời đại mà nhân dân Xô viết giành được trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi này đồng thời đã và đang cổ vũ các dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên chống lại chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh tôn giáo đấu tranh giành lại độc lập, góp phần vào xây dựng bầu không khí hòa bình chung của thế giới.
BĂNG VI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC