HỌC THUYẾT MÁC-LÊNIN VÀ VẤN ĐỀ GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI

       
Trong tất cả các tác phẩm của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin không có tác phẩm nào các ông viết riêng về vấn đề con người và ngay cả trong những tác phẩm viết chung thì con người cũng không được đặt ra thành mục với tư cách là đối tượng trực tiếp để nghiên cứu. Có lẽ vì thế, những lực lượng thù địch đối với học thuyết Mác-Lênin đã cho rằng triết học macxit nói riêng và chủ nghĩa Mác nói chung là những thứ học thuyết "phi nhân tính", là thứ triết học "bỏ rơi" con người. Họ cho rằng, bản thân C.Mác quá đề cao kinh tế nên đã không đề cập đến những vấn đề mang tính nhân văn, nhân đạo, thậm chí có lúc kẻ thù của C.Mác còn xem ông là kẻ "khủng bố đỏ". Đối với Lênin, chúng cho rằng Lênin đã phát triển những tư tưởng của C.Mác theo xu hướng phản nhân văn, nếu được người ta chỉ gọi Lênin là một nhà cách mạng.
          Trong lịch sử, chúng ta thấy C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin với tư cách là người sáng lập ra chủ nghĩa mácxit, là những con người thể hiện tính nhân văn, nhân đạo cao nhất. Chủ nghĩa nhân đạo không chỉ dừng lại ở mặt lý luận, ở học thuyết mà nó được thể hiện bằng hoạt động thực tiễn. Thực tiễn đó bao gồm cả hoạt động của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và hơn thế, nó được biểu hiện ra trong hoạt động xã hội của quần chúng nhân dân, trong cuộc cách mạng vô sản nhằm thiết lập một xã hội mới - xã hội Cộng sản chủ nghĩa.
          Có thể thấy rằng tính nhân đạo, tính nhân văn đã được bôc lộ từ rất sớm trong con người C.Mác từ khi C.Mác còn là một thanh niên, ông đã mang trong mình một quan niệm nhân đạo hết sức sâu sắc đó là: người hạnh phúc nhất là người mang lại hạnh phúc cho nhiều người nhất, và suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông vì sự nghiệp giải phóng con người là minh chứng rõ ràng nhất cho tính nhân văn, nhân đạo cao cả đó.
          Trong hoạt động thực tiễn của mình C.Mác luôn xem đấu tranh cho sự giải phóng con người là sứ mệnh lịch sử của triết học. Khác với tất cả các nhà triết học trước kia, C.Mác nói: các nhà triết học trước kia chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách mà vấn đề là cải tạo thế giới.
          Giải phóng thế giới, cải tạo thế giới không phải đơn thuần về tự nhiên mà ở đây giải phóng thế giới chính là giải phóng con người, cải tạo thế giới là cải tạo con người. Một học thuyết chân chính phải vì con người, vì cuộc đấu tranh giải phóng con người và triết học Mác-Lênin là một học thuyết như thế.
          Trong tác phẩm "Bản thảo kinh tế triết học" (1844), C.Mác phân tích lao động bị tha hoá nhưng không dừng lại ở đó mà C.Mác nghiên cứu lao động bị tha hoá để rồi đi đến phương pháp giải phóng con người ra khỏi sự tha hoá ấy, nghiên cứu sự tha hoá không phải để giải thích nó mà là tìm nguyên nhân của sự tha hoá và phương pháp khắc phục nó.
          Lao động với ý nghĩa ban đầu là một dạng hoạt động thực tiễn của con người, lao động sáng tạo là bản chất của con người. Đó là hoạt động, là nhu cầu để con người duy trì và phát triển sự sống của mình. Chính vì vậy, lao động với ý nghĩa chân chính phải là sự biểu đạt sâu sắc sự tự do hành động của mỗi người. Lao động là sự tự nguyện, sự yêu thích của con người nhằm biểu hiện bản chất của mình. Khi lao động không mang ý nghĩa đó nữa, không còn là sự sáng tạo của con người thì lao động và chính con người bị tha hoá. Đó là thứ lao động nô dịch, lao động bị cưỡng bức và khi nói lao động bị tha hoá thì đương nhiên con người bị tha hoá. Lao động bị tha hoá cao nhất, nặng nề nhất là trong xã hội tư bản bởi trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là chế độ tư hữu, là người bóc lột người, ở đó giá trị của con người được đo bằng giá trị của hàng hóa... tất cả đã làm mất đi ý nghĩa chân chính của lao động.
          Theo C.Mác, con người lao động sáng tạo đúng với bản chất của mình chỉ đạt được ở một xã hội với trình độ phát triển cao, đó chính là xã hội Cộng sản chủ nghĩa, buổi sáng anh ta có thể là kỹ sư, buổi chiều là một người công nhân và buổi tối là một người nghệ sĩ. Đó là lao động tự do, lao động như một nhu cầu không thể thiếu của con người.
          C.Mác đã tìm ra nguyên nhân của sự lao động bị tha hoá mà nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân cuối cùng là do chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất trong xã hội tư bản. Vậy muốn làm cho con người thoát khỏi sự tha hoá đó phải làm gì? Mác đã tuyên bố phải xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, khi được giải phóng con người mới thực sự là người.
          Giải phóng con người chính là đưa con người thoát khỏi sự tha hoá hay nói cách khác là đưa con người thoát khỏi sự áp bức bóc lột trong quá trình lao động, đó chính là tư tưởng nhân đạo cao cả trong học thuyết Mác-Lênin. Và trong học thuyết ấy C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã đánh giá đúng vai trò của con người khi khẳng định con người chính là lực lượng làm nên lịch sử của mình, là những người cải tạo và biến đổi thế giới. Chính vì thế, không ai khác ngoài giai cấp vô sản (những người không nắm trong tay tư liệu sản xuất phải bán sức lao động cho nhà tư bản) sẽ phải đứng lên đấu tranh xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất để thiết lập một chế độ sở hữu mới-chế độ công hữu về tư liệu sản xuất. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cuộc cách mạng xã hội của giai cấp vô sản nhằm thiết lập một nền chuyên chính vô sản. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã vạch trần bản chất của giai cấp tư sản: “đã đem lại sự bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho sự bóc lột được che đây bằng sự ảo tưởng tôn giáo và chính trị”. Đồng thời C.Mác và Ph.Ăngghen cũng chỉ rõ nhiệm vụ trong sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân “giai cấp vô sản chỉ có thể tự giải phóng mình nếu đồng thời và vĩnh viễn giải phóng cho toàn xã hội”. Giai cấp vô sản xoá bỏ đi chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, chế độ mà giai cấp tư sản dựa vào đó để bóc lột, thống trị nhân dân lao động chứ không phải là sự xoá bỏ quyền sở hữu của cá nhân về những sản phẩm xã hội của họ. C.Mác viết: "Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác".

        Cộng sản chủ nghĩa không phải là xã hội tước đoạt sự tự do của con người như một số tư tưởng luận điệu xuyên tạc mà đó thực sự là một xã hội mà giai cấp, con người được hoàn toàn giải phóng khỏi mọi ách áp bức bóc lột. Đi lên Cộng sản chủ nghĩa thực sự là “một quá trình lịch sử tự nhiên” (C.Mác), là sự lựa chọn, là ước mơ, khát vọng của loài người trong quá trình phát triển vươn tới xã hội tốt đẹp hơn. Và đó cũng chính là mục đích cuối cùng, cao nhất của học thuyết Mác-Lênin.
                                                                                                                Mai Hương

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC