HÃY TỈNH TÁO VỚI CÁC TRANG MẠNG XÃ HỘI

                                                
  Gần đây, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết với những nội dung bịa đặt, sai trái nhưng đang thu hút sự tò mò của dư luận, và được các hãng truyền thông nước ngoài như VOA, BBC... tung hứng hòng đánh lừa dư luận. Tính chất nguy hiểm của trang mạng xã hội đó không chỉ dừng lại ở nói xấu, bôi nhọ danh dự, uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội.
          1. Hãy khoan bàn đến sự “xác thực” của những thông tin mà các trang mạng xã hội đó đưa ra, cũng như những thế lực nào đứng đằng sau nó. Nhưng chỉ xét thời điểm các trang mạng xã hội này xuất hiện đã cho thấy động cơ, mục đích đích thực mà các trang mạng này hướng đến là rất thiếu thiện chí, thiếu khách quan, trung thực hòng tung tin đánh lừa dư luận, tạo sự hoài nghi trong nội bộ Đảng, Nhà nước, gây hoang mang trong những người cộng sản chân chính, những bậc lão thành cách mạng và trong các tầng lớp nhân dân về các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, qua đó hoài nghi về những vấn đề chiến lược, sách lược, những quyết sách quan trọng của Đảng liên quan đến vận mệnh đất nước, tương lai của dân tộc, hoài nghi về mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thậm chí còn có trang mạng quả quyết rằng, trang mạng xã hội là nơi giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay dùng để tố giác và hạ uy tín lẫn nhau trong các cuộc chạy đua vào Bộ Chính trị cũng như các chức vụ cao nhất trong hệ thống đảng (Tổng Bí thư) và Nhà nước (Chủ tịch nước, Thủ tướng)”. Với lập luận đó, các trang mạng này đã cố tình đánh lừa dư luận, qua đó tạo ra khoảng trống về tư tưởng, gây mất lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo tiền đề tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Có thể nói, chưa bao giờ cuộc chiến giành giật “lòng người” được các thế lực thù địch, phản động chú trọng như hiện nay, từ việc bác bỏ những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thậm chí đem đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác – Lênin, phủ nhận những thành tựu của chủ nghĩa xã hội hiện thực, phủ nhận thành quả của công cuộc đổi mới, nói xấu, bôi đen cá nhân lãnh đạo đến bôi nhọ chính quyền..., đồng thời triệt để lợi dụng những vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo... hòng gây mất ổn định về chính trị - xã hội, qua đó ly tán “lòng dân”, tạo nên những khoảng trống về tư tưởng để tiến hành cuộc “cách mạng màu” tiến tới xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta... Nhìn lại các cuộc thay đổi thể chế cầm quyền vừa qua ở các nước như Nam Tư (2000); Grudia (2003); Uknaine (2004); Kưrơgưxtan (2005); Udơbêkixtan, Adécbaidan, Bêlarút... trong không gian hậu Xô viết, và gần đây ở Trung Đông, Bắc Phi trong “Mùa xuân Ảrập” như Tuynidi; Ai Cập; Yemen; Libi; Xyri... Đặc biệt là tình hình Ukraine vừa qua cho thấy cuộc chiến giành giật con tim, khối óc con người đang được các nước phương Tây đặc biệt coi trọng. Trong cuộc chiến đó, cuộc chiến trên không gian mạng được các nước phương Tây triệt để lợi dụng, coi như một phương thuốc đặc hiệu để xóa bỏ hệ tư tưởng cộng sản. Còn nhớ, trước Đại hội lần thứ XI của Đảng đã có nhiều trang mạng xã hội như “Dân làm báo”, “Quan làm báo” viết hàng loạt bài nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành quả của công cuộc đổi mới, phủ nhận mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Nếu xâu chuỗi các sự kiện đó, thì sự xuất hiện của các trang mạng xã hội vừa qua là sự tiếp nối lôgic của những hành vi đó, khác chăng chỉ là những sự kiện, nội dung, hình thức mà các blog đó thể hiện mà thôi.
          2. Với khẩu hiệu: “Nhận biết các gương mặt trong Bộ Chính trị khóa XI và các gương mặt mới sẽ vào Bộ Chính trị khóa XII: Những thông tin trung thực, khách quan để Nhân dân có thể đánh giá năng lực, nhân cách của những người sẽ quyết định vận mệnh đất nước của dân tộc”, các trang mạng xã hội thời gian qua đã cố tình bịa đặt những câu chuyện có tính “gật gân”, sặc mùi xã hội đen, qua đó xâu chuỗi những vụ việc vốn không liên quan với nhau thành những vụ việc cụ thể, có thực để nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân cách, phẩm giá các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà. Đây là một điều cực kỳ nguy hiểm, bởi nó không chỉ tạo ra sự hoang mang, hoài nghi trong xã hội, làm giảm lòng tin đối với Đảng, Nhà nước, chế độ, mà còn tạo sự nghi kỵ lẫn nhau trong nội Đảng ở cấp lãnh đạo cao nhất, qua đó chia rẽ sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng từ cấp Trung ương. Không những thế, các trang mạng xã hội còn ra sức vu cáo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lợi dụng cuộc chiến chống tham nhũng để tham nhũng, bằng cách đưa ra khối tài sản khổng lồ (nhà, đất, biệt thự, du thuyền, xe hơi hạng sang...), rồi khẳng định đó là của người này, người kia…, mà không thể chứng minh được một cách minh bạch. Trong thời đại thông tin hiện nay, việc gán ghép sự việc này vào sự việc kia, lấy chỗ này ráp vào chỗ khác rồi chú thích một vài câu để vu khống người khác không khó. Nếu tỉnh táo, người đọc dễ dàng nhận nhận thấy rằng những thông tin về khối tài sản khổng lồ mà các trang mạng xã hội như “chân dung quyền lực” đưa ra để gán ghép cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội là những thông tin bịa đặt, không được kiểm chứng. Bởi nếu đó là sự thật, vậy tại sao các trang mạng xã hội đó không dám đương đầu với sự thật mà lại viết dưới dạng nặc danh? Ở phương diện này, xét về pháp lý, các trang mạng xã hội, đặc biệt là blog “chân dung quyền lực” đã lợi dụng chính sách tự do ngôn luận của Nhà nước ta để tung tin thất thiệt làm mất ổn định xã hội, ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.


Trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và được hiến định trong Hiến pháp. Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Nhưng tại khoản 2, Điều 14 cũng quy định: “Quyền con người, quyền công dân có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng”. Điều đó là hoàn toàn tự nhiên và cần thiết trên cơ sở công ước quốc tế. Tại khoản 2 Điều 19 của Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng chỉ rõ: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”. Nhưng cũng tại khoản 3 Điều này lại quy định: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 Điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a. Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác. b. Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Ngay trong Điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền khẳng định: “Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biến giới quốc gia”. Nhưng tại khoản 2 Điều 29 lại quy định: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”. Chúng ta tôn trọng tự do ngôn luận của tất cả mọi người, nhưng không thể chấp nhận tự do vô chính phủ, tự do dẫn đến vi phạm các chuẩn mực, nguyên tắc chung dẫn đến làm tổn hại nhân phẩm người khác và đạo đức xã hội. Còn nhớ, nhân chuyện tờ Charlie Hebdo cho đăng hình biếm họa nhà tiên tri Mohamet đã làm cho thế giới Hồi giáo nổi giận, ngay cả Giáo hoàng Francis cũng phải thốt lên rằng: “Tự do ngôn luận cũng có giới hạn”. Bởi vậy, cùng với phê phán, vạch trần dã tâm của các trang mạng xã hội, thiết nghĩ chúng ta cũng cần phải có những chế tài đủ mạnh với những người đã lập ra các trang mạng này, nhằm ngăn chặn sự nguy hại của nó đối với xã hội.
          3. Chủ động đấu tranh vạch trần âm mưu, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng Internet để xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua đó phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta. Có thể nói, cuộc cách mạng trong lĩnh vực thông tin đã làm thay đổi thế giới, biến thế giới thành một “ngôi làng toàn cầu”, nó không chỉ đưa con người xích lại gần nhau hơn, mà còn mang lại cho con người những tiện ích trong việc truy cập thông tin, nghiên cứu tài liệu, trao đổi thông tin..., nhưng đây cũng là phương tiện được một số thế lực “thừa nước đục thả câu” để tung tin, phát tán tài liệu, bịa đặt, vu khống, nói xấu, bôi nhọ chính quyền, qua đó kích động quần chúng chống lại thể chế cầm quyền. Tình hình lộn xộn, bất ổn ở các nước trong không gian hậu Xô viết, Trung Đông, Bắc Phi... vừa qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các trang mạng xã hội. Tính chất nguy hiểm của các trang mạng này ở chỗ, nếu không được kiểm soát, định hướng kịp thời có thể gây ra hiệu ứng đôminô rất khó kiểm soát, tạo sự bất bình trong dư luận và quần chúng nhân dân, dẫn đến sự bất ổn xã hội. Tương tự như vậy, những thông tin mà các trang mạng xã hội đưa ra thời gian qua, đang thu hút sự quan tâm của mọi người, mọi tầng lớp trong và ngoài nước, với những thông tin có tính mập mờ, thật giả, trắng, đen lẫn lộn, các trang mạng đó đã tạo sự bất bình trong xã hội đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN... Để góp phần khắc phục tình trạng này, chúng ta cần chủ động, tích cực tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân biết khai thác, sử dụng Internet đúng mục đích, biết phân biệt đúng, sai, tốt xấu với những thông tin được đưa ra trên các trang mạng xã hội, nhất là đối với giới trẻ, học sinh, sinh viên. Muốn vậy, cùng với trang bị kiến thức, nhà trường cần làm tốt chức năng định hướng thẩm mỹ, định hướng giá trị, tăng cường giáo dục lòng yêu nước, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, làm cho họ có khả năng tự bảo vệ, tự đề kháng trước sự tác động nhiều chiều từ phía môi trường xã hội.
Các cơ quan công quyền nhà nước cần chủ động sử dụng các trang mạng xã hội như một phương tiện hữu ích để công khai bày tỏ quan điểm, định hướng dư luận trước những thông tin nguy hại, xấu độc có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và sự tồn vong của chế độ; có cơ chế huy động mọi người, mọi tầng lớp nhân dân tham gia bày tỏ chứng kiến, qua đó vạch trần tính chất sai trái, bịa đặt của các thông tin đó. Sự tham gia tích cực của người dân trên lĩnh vực này không chỉ góp phần tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong xã hội, mà còn góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh nhằm loại trừ những tác hại từ những hiểm họa trên không gian ảo.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát an ninh mạng, có cơ chế chế tài đủ mạnh để loại bỏ từ mầm móng của những kẻ lợi dụng thông tin nói xấu Đảng, Nhà nước, và những thông tin có nguy cơ làm mất ổn định xã hội, an ninh quốc gia. Đây là một việc làm cần thiết mà bất cứ một quốc gia nào tự cho mình là dân chủ nhất cũng phải làm. Vụ trang mạng Wikileaks tiết lộ những thông tin mật liên quan đến nước Mỹ, việc cựu nhân viên tình báo Mỹ CIA Eward Snowden tiết lộ những thông tin tình báo Mỹ bí mật nghe lén điện thoại của các nhà lãnh đạo các nước đang bị giới chức trách Mỹ truy lùng gắt gao; hay mới đây, sau vụ tấn công Tạp chí Charlie Hebdo, nước Pháp lùng sục, bắt bớ cả những kẻ ca ngợi và ủng hộ khủng bố trên mạng Internet và ra luật ái quốc để thắt chặt kiểm soát quyền tự do cá nhân phục vụ chiến dịch chống khủng bố... Rõ ràng, vì lý do an ninh, các quốc gia có quyền hạn chế tự do ngôn luận và cả truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những tội phạm trên không gian ảo.
Ðể kết thúc bài viết, xin dẫn lại ý kiến của tác giả Trần Ngọc Chung, người Mỹ gốc Việt đăng trên Báo Nhân dân số 21188, ra ngày 20/9/2013 cho rằng, gần đây, các hãng truyền thông nước ngoài như BBC, VOA, RFA, RFI thường sử dụng quan điểm tiêu cực để đánh giá các sự kiện xảy ra ở Việt Nam, hoặc liên quan tới Việt Nam, từ đó xuyên tạc, cổ vũ cho luận điệu sai trái, tạo diễn đàn để một số cá nhân bình luận thiếu thiện chí. Phần kết bài báo viết: “Bài viết muốn nhắc nhở những người nào còn lầm tưởng RFA đấu tranh cho quyền lợi của người Việt Nam rằng: RFA là một tổ chức phục vụ cho quyền lợi của Mỹ và do một nhóm người Việt lưu vong điều hành nhằm làm suy yếu sự đoàn kết dân tộc Việt Nam và gây bất ổn chính trị xã hội Việt Nam để người nước ngoài có cơ hội “thừa nước đục thả câu”. Những người ở trong nước đã và đang cộng tác với họ hoặc do bị lừa gạt hoặc tự nguyện ý thức được rằng RFA chưa bao giờ khách quan, chưa bao giờ có thiện chí với Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Với nhận định trên của tác giả Trần Ngọc Chung, thiết nghĩ là một người Việt Nam yêu nước chân chính, người có tâm huyết, có trách nhiệm với vận mệnh quốc gia, dân tộc, thì những việc làm của các chủ nhân các trang mạng xã hội thời gian qua là không thể chấp nhận được cả về phương diện pháp lý lẫn phương diện đạo đức xã hội.

Với sự bịa đặt hết sức tinh vi của mình, các trang mạng xã hội thời gian qua đã đánh lừa dư luận, là sự vu khống, bịa đặt có chủ ý về các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Quân đội, qua đó làm cho bạn bè quốc tế có cái nhìn méo mó, sai lệch về Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, về đất nước, con người Việt Nam, nghiêm trọng hơn còn làm giảm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo ra những khoảng trống về dư luận, mở đường cho các thế lực thù địch, phản động, các phần tử bất mãn trong và ngoài nước thừa nước đục thả câu, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN ở nước ta. Đây là những hành động vừa vi phạm các chuẩn mực đạo đức xã hội vừa vi phạm pháp luật không thể tha thứ.
                                                                                                                                 JuPiMinh

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC