LÝ LUẬN GIÁ TRỊ THẶNG DƯ CỦA C.MÁC MÃI MÃI CÒN NGUYÊN GIÁ TRỊ


Có ý kiến cho rằng quy luật sản xuất giá trị thặng dư chỉ đúng với trình độ phát triển thấp của chủ nghĩa tư bản, khi máy móc còn thô sơ và lao động giản đơn còn phổ biến. Trái lại, trong điều kiện ứng dụng rộng rãi những thành tựu của cách mạng khoa học và công nghệ, hệ thống máy móc ngày càng tinh vi và hiện đại thì máy móc mới là nguồn tạo ra giá trị thặng dư, chứ không phải lao động sống. Vì vậy lý luận giá trị thặng dư không còn hợp nữa. Nhận định trên đây là hoàn toàn sai lầm:
Cần nhớ rằng tư bản không hề phát minh ra lao động thặng dư. Nơi nào mà một bộ phận xã hội chiếm độc quyền về tư  liệu sản xuất thì nơi đó những người lao động tự do hay không tự do đều buộc phải thêm vào lao động cần thiết để nuôi sống bản thân mình một số thời gian lao động dôi ra dùng để sản xuất những tư liệu sinh hoạt cho những người chiếm hữu tư liệu sản xuất. Điều khác biệt cơ bản chỉ là trong chủ nghĩa tư bản việc chiếm đoạt lao động thặng dư của người công nhân làm thuê không thực hiện bằng cách cưỡng bức trực tiếp và trắng trợn như dưới chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến mà thông qua quan hệ hàng hóa- tiền tệ, trong đó việc chiếm đoạt lao động thặng dư biểu hiện dưới hình thái chiếm đoạt giá trị thặng dư (hay lợi nhuận). Giá trị sức lao động mà nhà tư bản trả cho người công nhân dưới hình thái tiền công bao giờ cũng nhỏ hơn đại lượng giá trị mới mà công nhân đã tạo ra trong sản xuất. Có thể nói, mỗi phút người công nhân lao động một số giây cho mình và một số giây cho nhà tư bản, và nhà tư bản chỉ  tiếp tục thuê công nhân chừng nào người đó còn tạo ra một lượng giá trị mới lớn hơn giá trị sức lao động của anh ta. Từ đó, C, Mác đã phân tích rằng giá trị của hàng hóa trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa bao gồm giá trị những tư liệu sản xuất đã được tiêu dùng chuyển sang (ký hiệu là c) và lượng giá trị mới do lao động sống thêm vào (ký hiệu là v + m), trong đó v bù lại tư bản khả biến đã ứng ra để trả tiền công(ngang với sức lao động) còn m là giá trị thặng dư, tức là giá trị dư ra ngoài giá trị sức lao động. Tóm lại, nguồn gốc của giá  trị thặng dư chỉ là lao động sống.
Sở dĩ có nhận thức sai lầm rằng, máy móc hiện đại là nguồn gốc tạo ra giá trị thặng dư là do chưa phân biệt được máy móc với tư cách là yếu tố  của quá trình lao động tạo ra giá trị sử dụng với máy móc đóng vai trò là yếu tố của quá trình tạo ra và làm tăng giá trị hàng hóa. Hàng hóa có hai thuộc tính:giá trị sử dụng và giá trị bởi vì lao động sản xuất hàng hóa có tính chất hai mặt lao động cụ thể và lao động trừu tượng. Bất cứ quá trình lao động nào cũng bao gồm các nhân tố chủ yếu là: lao động có mục đích của con người, đối tượng lao động, tư liệu lao động(mà quan trọng hơn cả là công cụ lao động, nhất là công cụ cơ khí hay máy móc). Sử  dụng máy móc càng hiện đại thì sức sản xuất của lao động càng cao, càng làm ra nhiều giá trị sử dụng( nhiều của cải) trong một đơn vị thời gian.
Nhưng khi xét quá trình tạo ra và làm tăng giá trị thì những hàng hóa tham gia vào đây không được xét với tư cách những nhân tố vật thể nữa mà chỉ được coi là những lao động đã được vật hóa nhất định. Và dù máy móc (kể cả rô bốt) quan trọng đến mức nào cũng không thể tự mình chuyển giá trị vào sản phẩm (chứ đừng nói gì đến việc tạo thêm giá trị). Chính lao động đã “cải tử hoàn sinh” cho các tư liệu sản xuất trong đó có máy móc, chuyển giá trị của chúng vào sản phẩm mới theo mức độ đã tiêu dùng trong quá trình lao động. Nhưng một tư liệu sản xuất không bao giờ chuyển vào sản phẩm một giá trị nhiều hơn giá trị mà nó đã mất đi trong quá trình lao động do giá trị sử dụng của bản thân nó bị hủy hoại đi. C. Mác ví máy móc, thiết bị trong quá trình làm tăng giá trị giống như bình cổ cong trong phòng hóa nghiệm, không có bình cổ cong thì không có nơi diễn ra các phản ứng hóa học, nhưng bản thân bình cổ cong chỉ là điều kiện cho phản ứng hóa họa diễn ra chứ không trực tiếp tham gia vào phản ứng ấy. Cũng như vậy, thiết bị máy móc chỉ tạo điều kiện cho việc làm tăng giá trị của hàng hóa chứ bản thân nó không trực tiếp tham gia vào việc làm tăng giá trị.
Việc những nhà sản xuất sử dụng máy móc tiên tiến lại thu được giá trị lợi nhuận siêu ngạch là do công nghệ tiên tiến làm tăng sức sản xuất của lao động, hạ giá trị cá biệt của hàng hóa thấp hơn giá trị thị trường mà ra. Một khi những công nghệ đó trở thành phổ biến, các đối thủ cạnh tranh đã đuổi kịp trình độ tiên tiến rồi thì giá trị thị trường sẽ hạ xuống, hàng hóa rẻ đi, những người tiêu dùng được lợi nhưng không có người sản xuất nào thu được lợi nhuận siêu ngạch nữa.
Cũng cần lưu ý rằng máy móc là phương tiện giảm nhẹ nỗi cực nhọc của người lao động, tiết kiệm lao động sống, nhưng không phải bao giờ máy móc cũng là điều kiện để thu được lợi nhuận hơn là sử dụng lao động thủ công. Việc nhận thức chính xác máy móc chỉ chuyển giá trị sang sản phẩm mới theo mức độ khấu hao chứ không làm tăng thêm giá trị không những giúp cho chúng ta hiểu đúng nguồn gốc của giá trị thặng dư mà còn có ý nghĩa quan trọng trong quản lý kinh tế. Mỗi doanh nghiệp phải tìm cách khấu hao máy móc càng nhanh càng tốt, càng tránh được những hao mòn vô hình và cả hao mòn hữu hình do bảo quản kém hoặc sử dụng không hợp lý.
Do đó, việc đưa ra luận điểm máy móc cũng tạo ra giá trị thặng dư của giai cấp tư sản, chủ nghĩa tư bản thực chất là muốn phủ nhận vai trò của giai cấp công nhân trong nền sản xuất xã hội cũng như trong cuộc đấu tranh để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn – xã hội cộng sản chủ nghĩa. Suy đến cùng, qua luận điểm này các học giả tư sản muốn phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hay vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản trong cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức bóc lột của CNTB để xây dựng xã hội mới của mình. Thực chất, máy móc ngày càng hiện đại thì giai cấp công nhân ngày càng bị bóc lột nhiều hơn với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn. Chính vì thế mà cuộc đấu tranh của GCCN là tất yếu cũng như địa vị kinh tế xã hội của họ ngày càng rõ ràng hơn./. 
                                                                                                              Nguyen Thi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC