“KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA” Ở VIỆT NAM CÓ PHẢI LÀ SỰ GÁN GHÉP CHỦ QUAN?
Khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa” lần đầu tiên được sử dụng trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần
thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây chính là mô hình kinh tế tổng quát trong
suốt thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Nhận định này có giá trị chiến
lược hết sức quan trọng, nó không chỉ mang ý nghĩa về mặt khoa học mà còn là
một định hướng rất cơ bản cho tiến trình phát triển của đất nước ta trong quá
trình đổi mới.
Tuy
nhiên, thời gian gần đây, trên một số diễn đàn, một số trang mạng, người ta lại
thấy xuất hiện những ý kiến trái chiều về sự lựa chọn con đường và mô hình phát
triển của đất nước ta. Có ý kiến cho rằng, nói kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa chỉ là cách chơi chữ để làm tự yên long, hay thực chất nền kinh
tế chúng ta đang theo đuổi là nền kinh tế thị trường tự do theo khuynh hướng tư
bản chủ nghĩa như một tất yếu không thể chối bỏ. Không thể có sự trộn lẫn giữa
kinh tế thị trường với mục tiêu của CNXH, giống như “trộn dầu với nước”. Cũng
như không thể lai ghép kinh tế thị trường với CNXH để tạo nên một thực thể “Đầu
Ngô mình Sở”. Giữa hai con đường đó chỉ có một lựa chọn hoặc cái này, hoặc cái
kia. Vậy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có phải là
sự gán ghép chủ quan?
Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác khi dự báo về một xã hội tương lai - xã hội cộng
sản chủ nghĩa đã không dự báo về một mô hình CNXH có kinh tế hàng hoá. V.I.
Lênin là người kế thừa, phát triển học thuyết Mác trong điều kiện nước Nga xô
viết, lúc đầu cũng có quan điểm cho rằng mục tiêu CNXH là nhằm xoá bỏ kinh tế
hàng hoá để tổ chức nền sản xuất không có các nhà kinh doanh. Nhưng đến mùa
xuân năm 1921, khi nội chiến kết thúc, trước những nhiệm vụ nặng nề khôi phục
kinh tế, khắc phục nạn đói, V.I.Lênin và Đảng cộng sản đi đến một chính sách
kinh tế mới, mà nội dung cơ bản là thừa nhận kinh tế hàng hoá, thừa nhận thương
nghiệp và thị trường, cho tồn tại đến một giới hạn nhất định thành phần kinh tế
tư bản tư nhân, sử dụng CNTB nhà nước và các hình thức kinh tế quá độ, coi đó
là những nấc thang trung gian để đưa người sản xuất hàng hoá nhỏ lên CNXH.
Sau
khi V.I.Lênin qua đời, cùng với sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông
Âu, mô hình CNXH theo kiểu kế hoạch hoá tập trung được thiết lập đã không còn
chỗ đứng cho những quan niệm về mô hình kinh tế thị trường dưới CNXH. Người ta
đã đối lập kinh tế hàng hoá với thị trường, cho rằng thị trường là một phạm trù
riêng của chủ nghĩa tư bản, dẫn đến sản xuất hàng hoá mà không thừa nhận vai
trò của thị trường chẳng khác nào không thừa nhận sản xuất hàng hoá. Một số ý
kiến khác lại đồng nhất kinh tế thị trường với kinh tế tư bản chủ nghĩa và coi
đó là sở hữu riêng của chủ nghĩa tư bản. Từ đó họ cho rằng, cải cách kinh tế ở
các nước xã hội chủ nghĩa theo hướng thị trường là từ bỏ CNXH, ngả sang quỹ đạo
của chủ nghĩa tư bản.
Thực tế lịch sử phát triển sản xuất xã hội đã chỉ ra rằng kinh tế
hàng hoá đã ra đời và phát triển trước CNTB rất lâu, từ cuối công xã nguyên
thuỷ, qua các chế độ nô lệ và phong kiến. Song, ở những giai đoạn này, kinh tế
hàng hoá chưa thể gọi là kinh tế thị trường do trình độ phát triển thấp kém của
lực lượng sản xuất và phân công lao động, do tính chất cát cứ và manh mún của
thị trường. CNTB một mặt kế thừa sự phát triển kinh tế hàng hoá của các xã hội
trước, mặt khác nhờ thúc đẩy tiến bộ của lực lượng sản xuất và phân công lao
động, xoá bỏ được tình trạng cát cứ, hình thành thị trường dân tộc thống nhất
đã làm cho kinh tế hàng hoá có những bước tiến nhảy vọt. CNTB đã sử dụng kiểu
tổ chức sản xuất hàng hoá để phục vụ mục đích bóc lột giá trị thặng dư, biến
sản xuất hàng hoá nhỏ giản đơn thành sản xuất lớn hàng hoá tư bản chủ nghĩa hay
kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Đúng là kinh tế thị trường theo nghĩa của
nó phải kể đến từ khi có chủ nghĩa tư bản, song kinh tế thị trường không đột
nhiên mọc ra từ CNTB như ở trên trời rơi xuống. Kinh tế thị trường là kết quả
sự phát triển lâu dài của kinh tế hàng hoá. Việc kinh tế hàng hoá giản đơn
chuyển thành kinh tế thị trường lại xảy ra tại chế độ tư bản chỉ là sự bắt gặp,
trùng hợp ngẫu nhiên với cái tất yếu của toàn bộ quá trình phát triển. Điều đó
làm cho người ta lầm tưởng rằng, CNTB là kẻ duy nhất sáng tạo ra kinh tế thị
trường .
Thực ra, kinh tế thị trường là thành tựu chung của nhân loại, là mô hình kinh
tế có hiệu quả mà con người đạt được so với mô hình kinh tế điều hành trực tiếp
như đã từng áp dụng. Do nhận thức sai lệch, nhiều năm trước đây, người ta đã
đồng nhất CNXH với mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung, không chấp nhận kinh
tế thị trường dưới CNXH. Còn các học giả phương Tây thì đồng nhất kinh tế thị
trường với chủ nghĩa tư bản. Điều này không có gì lạ, bởi đây là những
vấn đề còn quá mới mẻ, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Ngay ở nước ta hiện nay,
kể cả trong giới nghiên cứu cũng còn không ít người có quan niệm như vậy. Họ
cho rằng ta nêu định hướng xã hội chủ nghĩa là mâu thuẫn với thực hiện kinh tế
thị trường. Kinh tế thị trường là quy luật kinh tế khách quan của quá trình
phát triển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn nói chung và nhất thiết phải trải
qua ba giai đoạn: thị trường sơ khai, thị trường tự do và hoàn thiện ở thị
trường có sự điều tiết của nhà nước. Lịch sử ra đời và phát triển của CNTB cũng
đã phải trải qua con đường như vậy. Còn định hướng xã hội chủ nghĩa là xuất
phát từ ý nguyện chủ quan của con người liệu có thể dung hợp được không?
CNTB
có kinh nghiệm hàng trăm năm trong việc phát triển thị trường. Chúng ta bắt đầu
xây dựng CNXH xuất phát từ trình độ thấp, từ bỏ mô hình kinh tế kém hiệu quả để
chuyển sang mô hình kinh tế thị trường có điều tiết của nhà nước là hành động
hợp quy luật và xu thế của thời đại ngày nay. Điều đó không có gì đồng nghĩa
với sự “từ bỏ lý tưởng” và ngả sang con đường tư bản chủ nghĩa cả. Việc chúng
ta lựa chọn mô hình kinh tế hỗn hợp là kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà
nước nhằm khắc phục các mặt khiếm khuyết vốn có của cơ chế thị trường để phát
triển một thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn phù hợp và
hoàn toàn có khả năng thực hiện trong bối cảnh thời đại ngày nay.
Kinh tế thị trường có những mặt tích cực như: thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh
tế và phân công lao động theo hướng sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của sản xuất,
kích thích cải tiến kỹ thuật và phát triển công nghệ, tạo ra sự năng động hiệu
quả, hợp tác cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế thúc đẩy sự phát triển của xã
hội.
Tuy nhiên, dưới tác động của các quy luật kinh tế hàng hoá sẽ làm nảy sinh
không ít những biểu hiện tiêu cực như: sự tự phát phân hoá giàu nghèo, phân hoá
giai cấp, tình trạng mù quáng, vô chính phủ của sản xuất và lưu thông, việc đơn
thuần chạy theo lợi ích cá nhân mà không quan tâm đến lợi ích chung của xã hội.
Chính CNTB với mục tiêu kinh doanh chạy theo lợi nhuận, nhiều khi bất chấp mọi
đạo lý đã làm cho các khuýêt tật, hạn chế vốn có của kinh tế thị trường trầm
trọng thêm. Đồng thời, chính kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đã làm nảy
sinh ra những vấn đề mang tính phá hoại và tội ác nghiêm trọng.
Những khuyết tật trên đây có thể bị hạn chế hoặc ngăn chặn nếu như nền kinh tế
thị trường được dựa trên một quan hệ sản xuất xã hội tiến bộ và có sự định
hướng, quản lý đúng đắn của một nhà nước vì lợi ích chung của nhân dân chứ không
phải vì lợi ích của một nhóm nhỏ đặc quyền, đặc lợi như dưới chủ nghĩa tư bản.
Các quốc gia, dân tộc hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình cách phát triển kinh
tế thị trường theo mục tiêu của mình dựa trên các điều kiện trong nước và thế
giới. Việc lựa chọn phát triển kinh tế thị trường theo mục tiêu xã hội chủ
nghĩa mà vẫn tuân theo các yêu cầu quy luật phát triển chung chính là sự sáng
tạo quan trọng của Đảng và nhân dân ta. Điều đó không có gì là trái với quy
luật phát triển của lịch sử và xa rời lý tưởng cộng sản cả.
Định hướng xã hội chủ nghĩa là một phạm trù để chỉ trạng thái tồn tại và phát
triển của xã hội nước ta trong giai đoạn lịch sử đặc biệt, khởi đầu bằng xác
lập thể chế chính trị - xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo
với một thể chế kinh tế mới phù hợp với cương lĩnh xây dựng CNXH trong thời kỳ
quá độ và kết thúc là mục tiêu xã hội chủ nghĩa trở thành hiện thực.
Mỗi quốc gia, dân tộc, do trình độ kinh tế, kết cấu xã hội, phong tục tập quán
khác nhau, nên tuy cùng một mô hình kinh tế thị trường nhưng có thể lựa chọn
các thể chế khác nhau. Không có một nền kinh tế thị trường nào là “bản sao” của
một nền kinh tế thị trường khác. Vì vậy sẽ là cực đoan nếu khẳng định rằng “thị
trường là thị trường, không có sự khác biệt nào giữa thị trường phát triển theo
định hướng xã hội chủ nghĩa và thị trường tư bản chủ nghĩa”. Đây cũng là điểm
băn khoăn đi đến do dự hay khó hiểu của một số người khi nhìn vào mô hình thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
Trong điều kiện có nhà nước cách mạng do đảng cộng sản lãnh đạo, nền kinh tế
thị trường với chế độ công hữu làm nền tảng và chủ đạo là nền kinh tế mới hẳn
về chất, trong đó các thành phần kinh tế không tồn tại độc lập, đối lập nhau mà
ngày càng phát triển trong xu thế liên kết, hợp tác với nhau để cùng phát triển
nhằm giải phóng lực lượng sản xuất phục vụ cho các mục tiêu xã hội chủ nghĩa đã
lựa chọn.
Để định hướng nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay đi đúng quỹ đạo CNXH,
điều mấu chốt hàng đầu và trong suốt quá trình là phải xây dựng được một thể
chế chính trị phù hợp vững mạnh, trong đó nhà nước phải là trụ cột định hướng.
Nhà nước đó trước hết phải là một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự
của dân, do dân và vì dân, trong sạch vững mạnh, có đủ năng lực và khả năng tự
đổi mới để điều khiển nền kinh tế thị trường ngày càng tiến tới một nền kinh tế
thị trường văn minh hiện đại, giữ vững các mục tiêu và kiên trì định hướng xã
hội chủ nghĩa đã lựa chọn. Sự khác biệt về bản chất của nhà nước xã hội chủ
nghĩa sẽ là một điều kiện, tiền đề cho sự khác biệt về bản chất của mô hình
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam với các mô hình kinh
tế thị trường khác trên thế giới.
Tóm lại, sự hình thành tư duy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
không phải là sự gán ghép chủ quan mà là sự tìm tòi và phát kiến về mặt lý luận;
đó là sự lựa chọn và khẳng định con đường và mô hình phát triển trong thực tiễn
mang tính cách mạng và sáng tạo của Việt Nam. Phát triển kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình tất yếu phù hợp quy luật phát
triển của thời đại và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên đây là
sự nghiệp vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài. Bởi lẽ nó còn rất mới mẻ, chưa
có tiền lệ, phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để từng bước bổ sung hoàn thiện.
Ngọc
Thủy
Nhận xét