LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

                                  

Có người lập luận rằng ngày nay ở các nước tư bản phát triển mức sống của đa số công nhân đã được nâng cao hơn trước rất nhiều, không ít người lao động đã mua được cổ phiếu, xuất hiện tầng lớp trung lưu đông đảo, nên chủ nghĩa tư bản đã thay đổi bản chất, không còn là xã hội dựa trên cơ sở bóc lột giá trị thặng dư nữa.
Nhưng khi nghiên cứu sản xuất giá trị thặng dư tương đối chúng ta đã thấy rõ rằng nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật , tăng sức sản xuất của lao động, trước hết trong những ngành sản xuất tư liệu sinh hoạt và những ngành sản xuất tư liệu sản xuất để sản xuất tư liệu tiêu dùng, với độ dài ngày lao động không đổi, thời gian lao động rút ngắn lại, thời gian lao động thặng dư tăng lên nhờ đó tăng khối lượng giá trị thặng dư tương đối.
Thậm chí còn có thể rút ngắn ngày lao động mà vẫn thu được khối lượng giá trị thặng dư nhiều hơn trước. Từ đó, đời sống người lao động được cải thiện nhưng mức độ lao động bóc lột không công lại tăng hơn trước. Về phía nhà tư bản vừa có thể sống xa hoa hơn trước lại có thể tích lũy nhiều hơn để tăng nhanh quy mô sản xuất. Ví dụ, trước đây, chủ nghĩa tư bản chưa phát triển, lao động thủ công là phổ biến, sức sản xuất của lao động thấp, ngày lao động kéo dài 12 giờ, trong đó 8 giờ là lao động tất yếu(bù lại tiền công) và 4 giờ lao động thặng dư. Giả dụ vì năng suất lao động thấp nên số sản phẩm chứa đựng giá trị mới là 60 đơn vị, trong đó sản phẩm tất yếu là 40, sản phẩm thặng dư là 20, nên mức sống của người công nhân rất thấp và nhà tư bản cũng chỉ thu được một lượng giá trị thạng dư rất nhỏ đành phải “tiết dục” chi tiêu tằn tiện đồng thời giá trị thặng dư tích lũy nhỏ. Ngày nay, do sự đấu tranh của giai cấp công nhân và sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật ngày lao động rút ngắn còn 7 giờ chẳng hạn, trong đó thời gian lao động tất yếu là 2 giờ. Nhưng do năng suất lao động cao, nhờ ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ nên lượng sản phẩm chứa đựng giá trị mới là 5600 đơn vị trong đó với 2 giờ lao động tất yếu người công nhân nhận được 1600 sản phẩm cho tiêu dùng cá nhân(gấp 40 lần trước đây), do đó mức sống được nâng cao. Nhưng mức độ bóc lột lại tăng từ 50%(4 giờ/8 giờ .100%) tăng lên 250% (5 giờ/2 giờ. 100%)  còn nhà tư bản có thể nhận được từ mỗi công nhân 4000 sản phẩm thặng dư, nhờ đó vừa sống xa hoa, vừa tăng được quy mô tích lũy. Như vậy, dù đời sống của công nhân ở các nước tư bản tăng lên hơn trước nhưng quan hệ bóc lột giá trị thặng dư vẫn tồn tại.
Hơn nữa, trong điều kiện toàn cầu hoá sản xuất và đời sống, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước quốc tế thông qua xuất khẩu tư bản, thông qua di chuyển lao động từ nước này sang nước khác, thông qua việc bành trướng của các công ty xuyên quốc gia… Khiến cho việc sản xuất giá trị thặng dư mang tính quốc tế, giá trị thặng dư được tư bản hoá, được xuất khẩu để quốc tế hoá tư bản với sự đa năng của các hình thức sản xuất giá trị thặng dư.
Chủ nghĩa tư bản đương đại mặc dù có những bước phát triển mới, biến đổi về mặt lượng và chất cục bộ, nhưng bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản không hề thay đổi. Song sẽ là phi lịch sử nếu không xem xét cái mới trong sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản hiện nay.
Trước hết, đó là sự bóc lột mang tính chất quốc tế. Không chỉ giai cấp tư sản nước Anh hoặc nước Nhật bóc lột giai cấp  công nhân bản địa của họ mà là tập đoàn tư bản quốc tế bóc lột phần dân cư còn lại. Ngày nay, phần lớn giá trị thặng dư mà những người lao động tạo ra chủ yếu nằm trong tay một nhóm ít người trên thế giới. Tư bản không chỉ bóc lột công nhân lao động cơ bắp, mà chủ yếu là bóc lột công nhân trí thức. Tỷ suất giá trị thặng dư ngày càng tăng lên và bóc lột rất tinh vi, bằng phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tương đối là chủ yếu, đồng thời với việc nâng cao mức sống của người lao động cả về vật chất và tinh thần. Bóc lột các nước kém phát triển thông qua xuất khẩu hàng hoá, xuất khẩu tư bản, xuất khẩu kỹ thuật… với nhiều cách thức, thủ đoạn khác nhau.
Đặc điểm nổi bật của sự bóc lột này là sự tước đoạt lao động của người khác được thực hiện dưới hình thức giá trị nên nhìn bề ngoài dường như trong xã hội tư bản mọi quan hệ kinh tế  giữa chủ tư bản- người sở hữu tư liệu sản xuất và người lao động - kẻ bán sức lao động làm thuê là quan hệ bình đẳng cùng có lợi, “kẻ có của, người có công” nên rất khó nhận diện. C.Mác đã kết luận rằng sự bóc lột của tư bản với công nhân thông qua hình thức giá trị thặng dư là tàn nhẫn. Do những tiến bộ đạt được về kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất đã cho phép nâng mức độ bóc lột lên rất cao, tỷ lệ giá trị mà nhà tư bản thu được so với mức chi phí tiền công thuê công nhân có thể lên đến 100%, 200%, thậm chí 300%. Có thể nói, đây là hình thức bóc lột nặng nề nhất nhưng cũng là hình thức bóc lột tinh vi và che dấu nhất mà các hình thức bóc lột đã tồn tại trong lịch sử nhân loại không thể so sánh được. Vì vậy, nó làm cho lòng thèm khát lợi nhuận của tư bản bị kích thích đến mức độ cao nhất, thậm chí phi nhân tính. Tinh vi và che dấu là vì nhìn bề ngoài dường như quan hệ chủ - thợ là quan hệ “sòng phẳng”, “bình đẳng”, và “cùng có lợi”, không ai bị chế ước. Khi nói về tội ác và lòng thèm khát của tư  bản với giá trị thặng dư Mác đã nói rằng tư bản ra đời có máu và bùn nhơ rỉ ra từ các lỗ chân lông của nó. Chính nhà kinh tế học người Anh, T.J.Dunning cũng đã thừa nhận rằng: “ Tư bản sợ tình trạng không có lợi nhuận, hoặc lợi nhuận quá ít, cũng như giới tự nhiên sợ chân không. Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được bảo đảm 10% lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản đầu tư vào đâu cũng được; được 50% thì nó trở nên thật sự táo bạo; được 100% thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người; được 300% thì không còn tội ác nào nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ ”.[1] 
C.Mác đã trình bày sự bóc lột của tư bản đối với người lao động thông qua hình thức bóc lột giá trị thặng dư trong bộ Tư bản qua các hình thức như đã trình bày ở trên và rằng “Tư bản là lao động chết, nó như con quỷ hút máu chỉ sống nhờ hút được lao động sống, và nó càng hút được nhiều lao động sống bao nhiêu thì nó lại càng sống được nhiều bấy nhiêu”[2]
Sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước và chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước quốc tế đã làm cho sự bóc lột giá trị thặng dư mang tính chất hai mặt; vừa tăng cường, vừa hạn chế. Tăng cường, vì có môi trường đầu tư thuận lợi, cung cấp tư liệu sản xuất chỉ dẫn, định hướng quá trình sản xuất giá trị thặng dư, điều chỉnh dòng chảy giá trị thặng dư tư bản hoá. Hạn chế, sử dụng các chính sách, luật lệ điều chỉnh khi sự bóc lột của các công ty tư bản “quá ngưỡng” có thể xảy ra nguy cơ xung đột về chính trị và xã hội.
Suy cho cùng, giai cấp công nhân ngày nay không những vẫn bị bóc lột mà còn bị bóc lột một cách tinh vi hơn, nặng nề hơn… Và vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức bóc lột của CNTB để xây dựng xã hội mới của mình vẫn là tất yếu./.
                                                                                             N.T.N



[1] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Sđd, t.23, tr.1056
[2] Sđd, t.23, tr.344 

Nhận xét

người yêu nước đã nói…
con đường đi lên CNXH đã được rút ngắn mà lý luận ngày càng daì

Bài đăng phổ biến từ blog này

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC