CÁI NHÌN THIẾU KHÁCH QUAN VÀ PHẢN ÁNH KHÔNG ĐÚNG TÌNH HÌNH THỰC TẾ TẠI VIỆT NAM CỦA VĂN PHÒNG CAO ỦY NHÂN QUYỀN LIÊN HIỆP QUỐC
Vào ngày
03/6/2020, Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) đã có bản báo cáo
“Về trình trạng vi phạm quyền tự do biểu
đạt trong mùa dịch Covid-19 ở 12 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương”, trong đó
có Việt Nam và Trung Quốc. Lãnh đạo Văn phòng OHCHR, bà Michelle Bachelet, cho rằng:
các quốc gia này đã gia tăng việc bắt bớ người dân một cách tùy tiện khi họ lên
tiếng chỉ trích chính phủ, hoặc chia sẻ thông tin, quan điểm cá nhân về đại dịch,
với cáo buộc là loan truyền “thông tin sai lệch” trên mạng xã hội.
Điều đáng chú ý,
trong bản báo cáo này khi nhắc tới Việt Nam. Thay vì lên tiếng ủng hộ và đánh
giá những thành công Việt Nam đã đạt được trong việc khống chế và kiểm soát dịch
Covid -19, thì bản báo cáo lại có những thông tin xuyên tạc sai sự thật. Trong
bản báo cáo, Văn phòng OHCHR đã thông báo: “Kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid
-19, nhà chức trách ở Việt Nam loan báo có hơn 600 người dùng Facebook đã bị
triệu tập, thẩm vấn liên quan đến việc chia sẻ thông tin về dịch bệnh trên mạng
xã hội. Nhiều người trong số họ đã bị xử phạt hành chính và nhiều bài viết đã bị
xóa”. Văn phòng OHCHR còn cho biết thêm rằng: tính đến thời điểm này, có ít nhất
2 người ở Việt Nam bị tuyên án hay khởi tố hình sự với mức án 9 tháng tù giam
và phạt hành chính hơn 1.000 đôla vì đăng tải thông tin bị cho là “sai lệch” về
dịch Covid-19, v.v.
Cần phải khẳng định
rằng, những nhận xét trên là thiếu khách quan và không phản ánh đúng tình hình
thực tế tại Việt Nam, và đã làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của Việt Nam trên trường
quốc tế. Việc xử lý, thậm chí là xử lý hình sự với các trường hợp này là hết sức
cần thiết, bởi vì, việc đưa tin sai sự thật, tung tin đồn thất thiệt trên các
phương tiện thông tin, các trang mạng xã hội không những làm nhiễu loạn thông
tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây ra nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống
dịch Covid-19.
Thực tế cho thấy,
thời gian qua, trong bối cảnh cả hệ thống chính trị và người dân cả nước đang
căng mình chống dịch, có rất nhiều các đối tượng đã lợi dụng sự quan tâm của
người dân để thiết lập nhiều trang mạng, hội nhóm, tài khoản Facebook… để tán
phát, chia sẻ các bài viết, hình ảnh, video có nội dung xuyên tạc, bịa đặt,
kích động về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ,
ngành, địa phương trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam; bịa đặt các
thông tin gây sốc về số người chết do nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, hướng dẫn
cách chữa trị tại nhà như uống rượu, tắm cây sả… từ đó kêu gọi tự chữa bệnh tại
nhà, tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế; lợi dụng “khoảng trống thông tin” trên các
trang mạng chính thống để lồng ghép các thông tin xuyên tạc bịa đặt, gây hoang
mang trong dư luận xã hội. Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết đã góp nhặt,
chia sẻ những thông tin sai sự thật, thậm chí là thông tin của các trang mạng
phản động trên trang Facebook cá nhân, vô tình tiếp tay cho việc lan truyền
thông tin sai sự thật trên không gian mạng. Những thông tin trên gây hoang mang
dư luận, khiến cho người dân hoảng loạn, đổ xô đi tích trữ hàng hóa, thực phẩm,
thuốc men, chạy trốn khỏi vùng dịch, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng
chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng. Nếu các cơ quan chức năng của Việt
Nam không xử lý nghiêm, đủ sức răn đe, thử hỏi hậu quả của nó sẽ lớn như thế
nào.
Một thực tế nữa
cũng cho thấy rằng, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đảng, Nhà
nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và Quân đội đã quyết liệt chỉ đạo
công tác phòng, chống dịch bệnh với tinh thần: “chống dịch như chống giặc”,
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Chính nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính
trị và sự đồng lòng của toàn dân; cùng với những việc xử lý nghiêm khắc như thế,
bước đầu Việt Nam đã đẩy lùi đại dịch, khống chế, tránh được sự tàn phá khủng
khiếp do dịch Covid-19 gây ra; trở thành điểm sáng của thế giới trong phòng, chống
dịch Covid-19 thời gian vừa qua.
Điểm qua một số
nét như vậy, rất mong Cao ủy nhân quyền của Liên Hợp quốc thay vì “bới lông tìm
vết”, “vạch lá tìm sâu”, cố xuyên tạc, nhìn nhận thiếu khách quan, phản ánh không
đúng tình hình thực tế và cố tình làm giảm uy tín của Việt Nam trong cuộc chiến
phòng, chống dịch Covid - 19, hãy quan tâm cho số phận của hàng triệu người dân
Mỹ, và người dân tại nhiều thành phố khắp châu Âu trong cuộc biểu tình, đang bị
tước bỏ quyền công dân của nạn phân biệt chủng tộc. Như vậy mới đúng thực chất
của một tổ chức đại diện nhân quyền cho toàn thế giới.
THÁI HÒA
Nhận xét