“RỬA TIỀN” – MẢNH ĐẤT CÁC THẾ LỰC PHẢN ĐỘNG LỢI DỤNG CHỐNG PHÁ NỀN KINH TẾ VIỆT NAM
Theo Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ
chức xuyên quốc gia năm 2000 (Công ước Palermo), “rửa tiền” là việc che đậy
nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản có được từ tài sản do phạm tội mà có. Theo pháp luật Việt Nam, rửa tiền là hành vi của tổ chức,
cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tiền, tài sản do phạm tội mà có, bao
gồm: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng
hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có
nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó; Sử dụng tiền,
tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh
doanh hoặc hoạt động khác; Thực hiện trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên
quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa
nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có….
Theo các chuyên gia nghiên cứu, những đồng tiền “bẩn” cần “rửa” thường có được từ các
nguồn như từ lao động bất hợp pháp (buôn lậu ma túy, vũ khí,
tiền của các tổ chức tội phạm có được do làm tiền giả, tống tiền, tổ chức đánh
bạc…); Từ việc tham nhũng, nhận hối lộ, tham ô
của công hoặc do lợi dụng chức vụ, địa vị trong bộ máy nhà nước mà có; Từ
việc trốn thuế (dù thu nhập là hợp pháp)... Theo công bố của
Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), số tiền “bẩn” trên phạm
vi toàn cầu được “rửa” hàng năm ước tính từ 2-5% GDP toàn cầu.
Hiện nay, tội
phạm rửa tiền thường sử dụng nhiều phương
thức như rửa tiền qua các giao dịch đổi tiền mặt, thực
hiện bằng cách đổi từ đồng tiền nước này sang đồng tiền của nước khác, ví dụ
như chuyển từ VNĐ sang USD hoặc sang đồng Bảng Anh. Chúng còn rửa tiền thông
qua việc mua kim loại quý như vàng, bạc, kim cương... là
những tài sản gọn nhẹ, có giá trị cao, có thể mua đi bán lại ở mọi thời điểm,
mọi nơi trên thế giới; rửa tiền thông qua đầu tư vào gửi tiết
kiệm, mua tín phiếu, trái phiếu… Đặc biệt, việc rửa tiền
thông qua hệ thống ngân hàng “ngầm” đang trở thành điểm nóng. Các
ngân hàng ngầm có đại diện ở nhiều nước khác nhau để thực hiện dịch vụ chuyển
tiền từ nước này sang nước khác hoặc từ thành phố này sang thành phố khác trong
cùng một quốc gia. Tội phạm lợi dụng nguyên tắc giữ bí mật của các ngân hàng đã
đem tiền đến gửi và yêu cầu nhận lại ở một địa điểm khác. Hoặc thủ đoạn dùng
"trade misinvoicing"
(hóa đơn thương mại sai), nghĩa là hóa
đơn sai về mặt kỹ thuật chỉ là lỗi kế toán trong thương mại, nhưng trên thực
tế lại là cách làm giả chứng từ về giá cả và hàng hóa để tránh thuế xuất, nhập
khẩu. Ở Việt Nam, tháng 5/2019, Ngân hàng Nhà
nước ra báo cáo đánh giá rủi ro quốc giai đoạn 2012-2017 về rửa tiền ở mức
“trung bình cao” trong các lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, hệ thống
chuyển tiền ngầm…
Rửa tiền là hoạt động bất hợp pháp có quan hệ mật thiết với nhiều hoạt
động phạm tội nguy hiểm khác như buôn bán ma túy, lừa đảo, tham nhũng… Hoạt
động rửa tiền gây ra nhiều hậu quả đối với nền kinh tế - xã hội của quốc gia.
Với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, rửa tiền làm tăng tội phạm và
tình trạng tham nhũng. Cùng với tệ nạn tham nhũng ngày càng tăng, số lượng tiền
bẩn có được từ hoạt động tham nhũng thông qua việc lạm dụng ảnh hưởng chính trị
hoặc lợi dụng chức quyền cũng ngày càng lớn. Rửa tiền còn ảnh hưởng đến hợp tác
quốc tế và đầu tư nước ngoài của quốc gia, bởi khi một quốc gia có cơ chế
phòng, chống rửa tiền được đánh giá là yếu kém sẽ gây ra những hậu quả bất lợi
cho sự phát triển của quốc gia đó, các hoạt động thương mại quốc tế sẽ bị giám
sát chặt chẽ, khả năng thu hút đầu tư vốn cũng như hỗ trợ của chính phủ và nhà
đầu tư nước ngoài đối với quốc gia đó bị giảm. Đặc biệt, rửa tiền làm suy yếu
các tổ chức tài chính, bởi tội phạm rửa tiền thường hướng đến các tổ chức tài
chính. Việc dễ bị lạm dụng cho mục đích rửa tiền làm cho các tổ chức tài chính
đứng trước những rủi ro về uy tín, rủi ro hoạt động do nguy cơ bị cắt đứt các
mối quan hệ đại lý, tăng chi phí do phải xử lý vấn đề về thanh khoản gây ra…
các rủi ro này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho các tổ chức tài chính, gây mất
cân bằng cơ cấu nợ và tài sản của các tổ chức tài chính, làm mất ổn định cho hệ
thống tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nguy hiểm hơn, tình trạng
này sẽ làm mất đi hiệu lực của chính sách tiền tệ trong nước, dẫn đến việc điều
hành kinh tế vĩ mô trở nên khó khăn thậm chí là lệch lạc. Không những thế, rửa
tiền còn tác động tiêu cực đến định hướng đầu tư, tạo ra nhiều rủi ro. Tiền từ
các hoạt động rửa tiền sẽ không được sử dụng để đầu tư vào các lĩnh vực phục vụ
cho phát triển kinh tế, các lĩnh vực kinh doanh đem lại nhiều giá trị gia tăng,
mà chỉ được đầu tư vào các tài sản mang tính chất che đậy như góp vốn vào các
công ty bình phong hoặc mua các loại hàng hóa xa xỉ… Các hoạt động này làm suy
giảm hiệu quả kinh tế của các giao dịch hợp pháp, gây mất lòng tin đối với thị
trường.
Trước xu thế hội
nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc đảm bảo an ninh kinh tế đặt ra yêu cầu
cần phải thực hiện tốt phòng, chống rửa tiền, nhất là trước yêu cầu của công
tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, cần ngăn chặn sự suy
thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, tạo
kẽ hở cho các thế lực thù địch mượn cớ chống phá đường lối, chính sách phát triển
kinh tế. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nhận thức sâu sắc nguy cơ, tác hại
của tội phạm rửa tiền, biết miễn dịch trước mọi biểu hiện lợi dụng hành vi rửa
tiền để trục lợi một cách bất hợp pháp. Các cấp ngành chức năng cần tập trung
vào việc hoàn thiện và thực thi có hiệu quả Luật phòng chống rửa tiền, Luật
phòng chống tham nhũng; tăng cường hợp tác quốc tế về chống rửa tiền; Xử lý
nghiêm minh mọi hành vi vi phạm an ninh quốc gia về lĩnh vực tài chính – tiền tệ…
YÊN CHI
Nhận xét