NÊU CAO TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY.

 

Những năm qua, bên cạnh số đông người sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, góp phần tích cực xây dựng mạng xã hội trong lành, vẫn xuất hiện tình trạng một số người, trong đó có cả cán bộ, đảng viên, đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, khi tham gia mạng xã hội lại có phát ngôn lệch chuẩn, đi ngược đạo lý và truyền thống dân tộc, thậm chí có ý kiến trái ngược với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, hùa theo luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đây là hiện tượng cần được lên án, phê phán.

          Đáng chú ý là hiện nay, trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sôi nổi triển khai nhiều hoạt động hướng tới chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thì dường như trên mạng xã hội các phát ngôn vô trách nhiệm, thiếu ý thức chính trị, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, đi ngược với lợi ích chính đáng của nhân dân lại có xu hướng xuất hiện nhiều hơn. Có cán bộ lớn tiếng bênh vực, bảo vệ, tung hô kẻ xấu, cổ súy cho việc làm sai trái, kích động dư luận... Từ ảnh hưởng, uy tín trước đó của số cán bộ, đảng viên này, có người đã vội vã tin vào phát ngôn của họ, đồng thời còn chia sẻ, phát tán, và làm cho phát ngôn lệch lạc này ngày càng lan rộng. Nguy hiểm hơn, những phát ngôn như vậy đã bị các thế lực thù địch triệt để khai thác nhằm phục vụ cho hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân và xã hội.

          Tôn  trọng và bảo đảm quyền con người nói chung, quyền tự do ngôn luận nói riêng, luôn là nguyên tắc, quan điểm, chủ trương rõ ràng, nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tinh thần ấy càng được khẳng định trong phát biểu chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Việc lấy ý kiến đóng góp tại đại hội đảng bộ các cấp và của các tầng lớp nhân dân là hết sức quan trọng, thể hiện ý Đảng, lòng dân, có giá trị thực tiễn phong phú, sinh động để Trung ương nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo các văn kiện...”. Như vậy có thể thấy quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về tự do ngôn luận, phát huy dân chủ là rất rõ ràng.

          Nhằm tạo điều kiện để mọi người dân thực hiện quyền tự do, dân chủ trước những vấn đề, sự kiện lớn của đất nước, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp từ Trung ương tới cơ sở tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, giao lưu. Các cơ quan báo chí, truyền thông mở nhiều chuyên mục, chuyên trang để đăng tải, phát hình các ý kiến góp ý với Đảng, Nhà nước. Nếu thật sự tâm huyết, có ý thức về trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân thì cán bộ, đảng viên dù đương chức hay nghỉ hưu và mọi người dân đều không thiếu diễn đàn chính thống để bày tỏ chính kiến, tham gia góp ý xây dựng. Vì vậy, hiện tượng một số cán bộ, đảng viên lên mạng xã hội thể hiện bản thân từ cái nhìn chủ quan, phiến diện, bằng lập luận, phân tích thiếu thiện chí để lôi kéo, kích động dư luận theo chiều hướng làm phức tạp tình hình, gây bất lợi cho sự nghiệp phát triển đất nước là không thể chấp nhận. Bởi vì, cũng như mọi quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, tự do ngôn luận, mở rộng dân chủ phải đi liền với giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.

          Cũng như bảo vệ quyền con người trong cuộc sống thực, việc bảo vệ quyền con người trên không gian mạng là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Cán bộ nghỉ hưu hay đương chức cũng như mọi người dân đều có quyền tham gia mạng xã hội, nhưng phải tuân thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Pháp luật Việt Nam có quy định rất cụ thể về các hành vi sẽ bị xử phạt khi tham gia mạng xã hội, nhưng trên thực tế việc vi phạm vẫn diễn ra. Điều đó cho thấy nếu mỗi cá nhân không tự ý thức, không tự thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, thiếu nghiêm túc thực thi pháp luật thì nạn tin giả, tin sai sẽ khó có thể ngăn chặn. Hơn ai hết, mọi cán bộ, đảng viên cần ra sức nêu gương trong đời sống xã hội cũng như trên mạng xã hội. Việc phát ngôn, hành xử tùy tiện, lệch chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật của một số cán bộ, đảng viên thời gian qua đòi hỏi cần phải chấn chỉnh kịp thời. Khi tham gia mạng xã hội, mọi cán bộ, đảng viên cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi phát ngôn, chia sẻ thông tin. Đó cũng là cách thiết thực để phát huy vai trò, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trước Đảng, nhân dân. Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cả về pháp lý và kỹ thuật để kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh cán bộ, đảng viên nào cố tình sử dụng mạng xã hội để có phát ngôn sai trái, tuyên truyền thông tin sai sự thật, kích động dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC