Chính trị hóa khoa học – Một chiến thuật mới trong tranh chấp Biển Đông
Những năm gần đây, tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông của các nước trong khu vực nóng lên do Trung Quốc đơn phương tuyên bố “chủ quyền không thể chối cãi” dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò”. Để làm thay đổi nhận thức của thế giới về tuyên bố chủ quyền đó, Trung Quốc tận dụng mọi hình thức tuyên truyền như: phát thanh, truyền hình, Intetnet, báo giấy v.v. Đồng thời, sử dụng tất cả những phương tiện có thể để phát tán rộng rãi bản đồ “đường 9 đoạn” ở mọi lúc mọi nơi, trên giấy thông hành, trên các quả cầu vẽ bản đồ thế giới, trên áo phông, trong phim ảnh và chương trình truyền hình, trong sách báo, phần mềm, trò chơi điện tử, trên quần áo, tờ rơi quảng cáo ở các địa điểm du lịch, ...
Tuy nhiên, những tuyên truyền đó gần
như bị phá sản sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 đã vô hiệu
hóa cơ sở pháp lý của “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Tòa trọng tài vụ
kiện Biển Đông cho rằng không có đủ bằng chứng cho thấy Trung Quốc có các quyền
lịch sử đối với tài nguyên trong các vùng nước thuộc phạm vi đường 9 đoạn và nếu
có thì các quyền lịch sử này cũng đã bị thay thế bới các quy định về các vùng
biển của Công ước Luật biển 1982. Tòa bác bỏ yêu sách vùng nước trong phạm vi
đường 9 đoạn và không đề cập tới yêu sách đảo trong đó.
Sau phán quyết đó, công tác tuyên
truyền của Trung Quốc bị các nước trong khu vực và trên thế giới cảnh giác và ngăn
chặn quyết liệt. Ở Việt Nam, ngày
13/5/2018, lực lượng quản lý Sân bay Cam Ranh tịch thu toàn bộ số áo in hình
“đường lưỡi bò” của du khách Trung quốc nhập cảnh tại đây. Tháng 11/2019, Tập
đoàn Điện lực Việt Nam phát hiện và chỉ đạo toàn ngành hủy bỏ các thiết bị điện
mặt trời có bản đồ “đường lưỡi bò”; không mua điện của các công ty, nhà sản xuất
sử dụng các thiết bị đó. Cùng tháng 11/2019, Tổng cục Hải quan tịch thu toàn bộ
lô ô tô nhập khẩu có phần mềm dẫn đường chứa bản đồ có hình “đường lưỡi bò”, v.v.
Bất chấp phán quyết của Tòa án Quốc
tế rằng các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là bất hợp pháp, Trung Quốc trong mấy
năm qua đã phát động một mặt trận mới nhằm thuyết phục thế giới thay đổi nhận
thức và chấp nhận yêu sách chủ quyền của họ. Cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc
đã chỉ đạo các học giả nghiên cứu và đã thay đổi chiến thuật bằng cách đưa bản
đồ “Đường lưỡi bò” phi pháp vào nhiều bài viết đăng trên các tạp chí khoa học
được quốc tế công nhận hay các bài nghiên cứu có tính cách học thuật để khẳng định
yêu sách chủ quyền của họ ở Biển Đông. Theo một nghiên cứu quốc tế, tần suất
bài báo khoa học có in bản đồ “đường lưỡi bò” tăng dần: bản đồ đường 9 đoạn ít
khi xuất hiện trước năm 2009, nhưng từ năm 2010, chỉ có 10 bài; năm 2018, có 60
bài; trong 6 tháng đầu tiên của năm 2019 đã có tới 90 bài. Xu hướng này tiếp tục
trong năm 2020, và người ta thấy “bản đồ
đường 9 đoạn” xuất hiện trên nhiều tạp chí khoa học, bàn về đủ mọi đề tài từ biến
đổi khí hậu, thủy văn học, khảo cổ học, nông nghiệp, năng lượng sinh học, khoa
học môi trường, quản lý chất thải cho tới y tế công…
Đây là hoạt động âm thầm nhưng rất
thâm độc, vì cơ bản các nhà khoa học trên thế giới ít quan tâm đến chính trị
nên mất cảnh giác; khi đã ký tên hợp tác nghiên cứu cùng các nhà khoa học Trung
Quốc, có nghĩa là vô tình đã công nhận “đường 9 đoạn”. Thâm hiểm hơn là Trung
Quốc đã âm thầm cài bản đồ “đường lưỡi bò” vào bài báo khi phát hành. Khi ấy,
những người làm công tác nghiên cứu, có nhu cầu trích dẫn nguồn từ các bài báo
khoa học này cũng chấp nhận sự tồn tại của “đường 9 đoạn”. Nỗ lực tuyên truyền
này sẽ là cơ sở để Bắc Kinh lập luận rằng: bản đồ “đường 9 đoạn” được biết đến
rộng rãi và được công nhận qua các bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí
khoa học quốc tế. Chúng ta cần hết sức cảnh giác khi dẫn nguồn quốc tế, nhất là
những hình ảnh không đúng về bản đồ Việt Nam hoặc có “đường 9 đoạn”. Chủ động
phát hiện, đấu tranh, bóc gỡ thông tin phản ánh không đúng chủ quyền lãnh thổ,
biển, đảo của nước ta./.
THÁI HÒA
Nhận xét