CHỦ ĐỘNG NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI THÔNG TIN XẤU ĐỘC TRÊN INTERNET, MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY

Công cuộc đổi mới đất nước hơn 30 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực; đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao. Nhu cầu được thông tin và tiếp cận thông tin của người dân luôn được chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương chú trọng. Đặc biệt, sự phát triển của internet đem lại những lợi ích to lớn cho người dân và góp phần quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển.

Theo thống kê của Trung tâm Số liệu internet quốc tế (Internetworldstats), tính đến hết tháng 6-2015, Việt Nam đã có 45,5 triệu người dùng internet, đạt mức thâm nhập/dân số là 48%; đứng thứ 6 khu vực châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Trung bình mỗi ngày người Việt Nam lên mạng hơn 5 giờ (đối với người dùng máy tính) và gần 3 giờ (đối với người dùng điện thoại); thời gian sử dụng mạng xã hội bằng nhiều hình thức với thời gian trung bình hơn 3 giờ. Tính đến thời điểm 1-1-2015, dân số nước ta là 90,7 triệu, song có tới 28 triệu người sở hữu tài khoản mạng xã hội (gần 31%); 128,3 triệu người có kết nối mạng di động (tương đương 141%), tức trung bình mỗi người sở hữu 1,4 thuê bao di động, trong đó sử dụng mạng xã hội qua điện thoại là 24 triệu người (chiếm 26%). Điều đó cho thấy các mạng xã hội và công cụ nhắn tin qua mạng xã hội (trong đó có facebook) được nhiều người quan tâm, sử dụng. Nếu sử dụng internet cũng như các mạng xã hội đúng mục đích và phù hợp sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với mỗi người dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích internet mang lại thì mặt trái của nó không hề nhỏ. Bản chất internet là môi trường mở cho phép người sử dụng được tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin, tính truyền tải nhanh, diện tham chiếu rộng, thông tin gần như tức thì, dễ tạo hiệu ứng xã hội theo chiều rộng nên rất khó quản lý và kiểm soát. Tính ưu trội của mạng xã hội còn tạo ra khả năng giao lưu, chia sẻ, kết nối cộng đồng rất thuận lợi. Đây là tính năng đặc biệt hấp dẫn đối với giới trẻ của internet. Cho nên, internet được ví như con dao 2 lưỡi chứa nhiều hiểm họa khó lường đối với người sử dụng không đúng mục đích. Thực tế, bên cạnh các thông tin bổ ích, có giá trị đối với xã hội thì còn vô số thông tin, hình ảnh có nội dung xấu độc, trái với truyền thống văn hóa dân tộc cũng được tán phát lên các trang thông tin điện tử (website), blog, mạng xã hội, trên phần phản hồi (comment) của các báo điện tử…Vì vậy, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng internet và lập nhiều trang facebook để truyền bá những thông tin xấu độc, đăng tải những status trên trang facebook cá nhân với ngôn ngữ, luận điệu đầy tính kích động, phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành tựu của công cuộc đổi mới, tìm mọi cách thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta trên mọi lĩnh vực.
Thông tin xấu độc tán phát trên internet và mạng xã hội là những thông tin bịa đặt, sai sự thật, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả; hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu sai trái, thù địch. Đó là các dạng thông tin có nội dung không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục như: Kích động đồi trụy, bạo lực, bôi nhọ đời tư, vu khống…; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm tin học như: Lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu,tán phát vi-rút…; thông tin sai trái có tính chất chính trị như: Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chống phá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bịa đặt, vu cáo, nói xấu các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội, công an và gây chia rẽ đoàn kết nội bộ, đe dọa an ninh quốc gia...
Tác hại của những thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội do các thế lực “mạng đen” tung ra có tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, gieo rắc sự hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Hệ lụy của thông tin xấu độc ảnh hưởng rất lớn đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân và cộng đồng xã hội. Nếu đạo đức xã hội bị băng hoại, văn hóa dân tộc bị tầm thường hóa, đánh mất bản sắc, an toàn xã hội bị đổ vỡ, thì sẽ tác động mạnh đến chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng; có nguy cơ dẫn đến mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ là đối tượng thường xuyên tiếp cận với facebook.
Để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay là một đòi hỏi mang tính cấp thiết; trước hết cần đẩy mạnh tuyên tuyền, giáo dục để mọi người thấy rõ tính hai mặt của internet và mạng xã hội; nhận diện các thủ đoạn, nội dung thông tin xấu độc, tính chất nguy hại của nó đối với cá nhân và xã hội. Qua đó trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội. Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao sức đề kháng cho mỗi người trước thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội, cần tiếp tục gắn chặt chẽ với tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Luật an ninh mạng 2018.Phát huy vai trò của các tổ chức tạo thành phong trào mang tính cộng đồng hướng tới một văn hóa internet lành mạnh, sẵn sàng tổ chức đấu tranh trực diện với những thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội./.
                                                 HẢI TRẦN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC