CÓ HAY KHÔNG “THUẾ CHỒNG THUẾ” TRONG DỰ THẢO LUẬT “THUẾ TÀI SẢN”

Dự thảo Luật Thuế tài sản gồm 4 chương, 15 điều vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện đã và đang nhận được nhiều ý kiến từ dư luận. Điều đáng lo ngại là, các phần tử cơ hội lợi dụng một số vấn đề đưa ra trong Dự thảo Luật Thuế tài sản để chống phá chủ trương của Nhà nước, gây chia rẽ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Một trong những lập luận nổi lên của các thế lực phản động là Việt Nam không cần Luật thuế tài sản; việc đánh thuế tài sản là “vắt kiệt sức dân”, là “thuế chồng thuế”, hay “cái “búa tạ” đang chờ giáng xuống đầu dân”. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, đó là cách để “nhà cầm quyền moi túi dân, bù chi thâm hụt ngân sách”... Thực tiễn đó đặt ra nhiều vấn đề, do đó đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần định hướng để các tầng lớp nhân dân hiểu đúng về mục đích ban hành Luật Thuế tài sản cũng như nội dung cụ thể của các điều khoản, nếu không sẽ dẫn tới những hệ lụy khó lường, gây bất ổn về tư tưởng trong nhân dân và tác động đến quản lý, phát triển kinh tế - xã hội.
Vậy ở Việt Nam hiện nay, cần hay không việc ban hành Luật Thuế tài sản?
Thuế tài sản là sắc thuế phổ biến trên thế giới. Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau. Ở các nước phát triển, thuế tài sản là nguồn thuế ổn định và lớn để ngân sách chi cho phát triển hạ tầng và an sinh xã hội.Thuế tài sản nằm trong hệ thống thuế và đối tượng của nó là tài sản. Tài sản ở đây được hiểu nghĩa là những của cải vật chất sử dụng cho sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, đánh thuế tài sản ở mức độ nào còn tùy thuộc vào điều kiện của từng quốc gia và không có sự đồng nhất.
Cần nhận thức rằng, ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, trong xu thế phát triển của kinh tế thị trường thì việc ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết, đóng góp vào công tác phòng, chống tham nhũng, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, hạn chế sử dụng tài sản công như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: "Xây dựng dự thảo Luật sẽ đóng góp nhiều vào công tác phòng ngừa, phòng chống tham nhũng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, hạn chế sử dụng tài sản công, nâng cao minh bạch, góp phần nâng cao ngân sách, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước". Mục tiêu của Luật Thuế Tài sản là nhằm thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về tiếp tục thực hiện cải cách hệ thống thuế, góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với các quy định của Hiến pháp, thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, việc xây dựng luật thuế này cũng nhằm đảm bảo mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu từ thuế tài sản, phù hợp với thông lệ quốc tế về thuế tài sản; Tăng cường quản lý nhà nước đối với tài sản, đồng thời có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.
Vì vậy, việc ban hành Luật thuế tài sản trong giai đoạn hiện nay là cần thiết và có đầy đủ cơ sở.
Luật Thuế tài sản có làm cho “thuế chồng thuế”?
Từ năm 1991, nước ta đã có Pháp lệnh thuế nhà đất với thuế suất 0,3% - 0,4%. Do vậy, cần hiểu đúng về phạm vi, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Thuế tài sản để nhận thức đúng mục đích của Luật.
Về Đối tượng chịu thuế gồm: 1. Đất phi nông nghiệp (bao gồm: Đất ở, gồm: ở tại đô thị và đất ở tại nông thôn;  Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp…); 2. Nhà ở; nhà và công trình thương mại, dịch vụ; 3. Tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
Về Căn cứ tính thuế là giá tính thuế và thuế suất. Giá tính thuế đối với nhà thuộc đối tượng chịu thuế được xác định bằng diện tích nhà tính thuế nhân với giá 1m2 nhà tính thuế. Thuế sẽ tính dựa vào giá do Nhà nước quy định ở vị trí đó. Giá căn hộ do Nhà nước căn cứ dựa trên giá trị đất và giá xây dựng. Bộ Tài chính đưa ra ví dụ cụ thể tính thuế 1 căn hộ, và nói rõ không đánh thuế theo giá trị mua bán (tức là giá thị trường của nhà đất). Theo đó, không có việc thuế chồng thuế vì khoản thuế phải nộp (theo tính toán giả định của Bộ Tài chính) không lớn và không trùng với các khoản thu khác. Mặt khác, Luật Thuế tài sản lần này được đưa ra đã có trong lộ trình tổng thể cải cách hệ thống thuế đến năm 2020. Do đó, các nội dung về thuế tài sản đã được đặt cân đối với các sắc thuế khác, nên việc thuế chồng thuế không xảy ra. 
Theo dự kiến từ nay đến hết năm 2019, cùng với việc mở rộng việc lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, Bộ Tài chính sẽ công khai lấy ý kiến trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật theo đúng quy định. Vì vậy, các cấp, ban, ngành cần quán triệt và làm tốt việc lấy ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo Luật gắn với công tác tuyên truyền, chủ động phòng ngừa các thế lực phản động lợi dụng để xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước./.
                                                                 YÊN CHI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC