KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN LUẬT AN NINH MẠNG


Sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua, trên mạng xã hội, báo chí nước ngoài như BBC, VOA... với lời lẽ thoá mạ, phê phán Chính phủ Việt Nam đi ngược lại với lợi ích và tiến bộ xã hội như: “bóp nghẹt” Internet, “chậm tiến”, “kéo lùi lịch sử”, “Luật An ninh mạng sẽ siết chặt tự do ngôn luận”, “Việt Nam nhắm đến siết chặt facebook, Google, “Đừng để Việt Nam trở thành kẻ thù của các giá trị tiến bộ”, “Luật an ninh mạng để trị dân chứ không phòng giặc”...
Trong quan hệ quốc tế, họ cho rằng Luật An ninh mạng sẽ vi phạm hiệp định Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), vi phạm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Có người còn lo lắng các trang mạng lớn như Google, Facebook sẽ "rời Việt Nam". Vậy Luật An ninh mạng phải chăng nhằm xâm phạm quyền con người, quyền công dân và hạn chế các quan hệ quốc tế-kiềm chế sự phát triển của Việt Nam?
Cần thấy rằng, Theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc, 138 quốc gia (trong đó có 95 nước đang phát triển) đã ban hành Luật An ninh mạng. Tuy khác nhau về tên gọi, nhưng nội dung chính của Luật An ninh mạng của các nước đều nhằm cải thiện tình hình an ninh thông tin của các doanh nghiệp và cơ quan công quyền, cũng như bảo vệ tốt hơn người dân trên môi trường mạng Internet.
Tại châu Âu, Đức đã có quy định về Luật An ninh mạng từ rất sớm. Tháng 7/2015, Quốc hội Đức đã thông qua Luật An ninh mạng nhằm bảo vệ tốt hơn cho công dân và các doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Luật An ninh mạng của Đức yêu cầu các công ty và cơ quan liên bang phải có tiêu chuẩn bảo mật mạng tối thiểu và phải được bằng Văn phòng Bảo mật Thông tin Liên bang (BSI) chứng nhận. Luật này có liên quan đến các lĩnh vực được coi là "cơ sở hạ tầng quan trọng" quốc gia, chẳng hạn như giao thông vận tải, y tế, nước, nhà cung cấp viễn thông, cũng như các công ty tài chính và bảo hiểm. Trong luật mới có những điều, khoản cụ thể đối với người sử dụng mạng internet như cấm âm mưu sử dụng bạo lực lật đổ an ninh quốc gia, cấm xúi giục hành vi phạm tội…
Là đất nước đang hướng tới trở thành quốc gia thông minh, Luật An ninh mạng của Singapore ban hành năm 2017 cho phép Cơ quan An ninh mạng nước này theo dõi và quản lý an toàn không gian mạng của quốc gia. Cơ quan An ninh mạng được phép thực hiện các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng và nhanh chóng ứng phó với các mối đe dọa và sự cố…
Do vậy, Việt Nam ban hành Luật An ninh mạng là phù hợp với sự phát triển của tình hình thế giới.
Hơn nữa, tình hình diễn biến trên không gian mạng đang đòi hỏi phải ban hành Luật An ninh mạng làm cơ sở pháp lý để đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Báo cáo của Cục An ninh mạng, Bộ Công an cho thấy, Việt Nam là quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong khu vực. Từ năm 2016 đến nay, có hàng chục nghìn cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin nước ta. Chưa kể mạng Internet bị lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, kích động các hoạt động chống phá Nhà nước, xúc phạm nhân phẩm cá nhân, bịa đặt, đánh cắp thông tin gây hại về kinh tế, tài chính. Vì vậy, ban hành Luật An ninh mạng là nhiệm vụ cấp bách làm cơ sở pháp lý để đấu tranh, ngăn chặn và xử lý.
Mặt khác, Luật An ninh mạng chỉ quy định các chế tài đối với việc sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi chống Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đó là những hoạt động: (1) Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (2) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; (3) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế-xã hội … xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; (4) Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc …; (5) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội... (6) Lợi dụng hoặc lạm dụng hoạt động bảo vệ an ninh mạng để xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc để trục lợi” (Điều 8).
Những băn khoăn, lo lắng về Luật An ninh mạng vi phạm hiệp định WTO, CPTPP và các doanh nghiệp mạng lớn như Google, Facebook sẽ rời khỏi Việt Nam có đúng không? Câu trả lời là “không”. Việt Nam hiện là một thị trường lớn. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 58 triệu người dùng, xếp ở vị trí thứ 7 trên thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh cũng nằm trong tốp 6 thành phố có người dùng Facebook đông nhất, với 14 triệu người dùng, trong tốp 10 nước có lượng người dùng Facebook đông nhất thế giới.
Xét về quyền và lợi ích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, Luật An ninh mạng hoàn toàn không hạn chế về quyền và lợi ích của nhóm đối tượng trên. Vì chế tài của Luật An ninh mạng chỉ áp dụng đối với những hành vi phạm tội (thông qua lợi dụng internet, mạng xã hội-Điều 8). Luật An ninh mạng chỉ cho phép cơ quan chức năng điều tra, làm rõ chủ thể nguồn thông tin xấu độc khi cần thiết mà thôi. Tuy nhiên, đối với những kẻ đã và đang có những âm mưu, kế hoạch lợi dụng internet, mạng xã hội để chống lại Nhà nước Việt Nam hoặc làm tổn thương đến công dân, thì Luật An ninh mạng là một chế tài nghiêm khắc.
Như vậy, đối với mọi người, hoàn toàn không có chuyện Luật An ninh mạng “xâm phạm quyền riêng tư”; “xâm phạm quyền tự do ngôn luận”; “cướp đi quyền sử dụng internet của người dân” như có kẻ đang xuyên tạc, phủ nhận.
                                                                        HIẾU XUÂN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC