NHẬN THỨC ĐÚNG VỀ QUAN ĐIỂM, CHÍNH SÁCH DÂN TỘC CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA HIỆN NAY


Âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch hiện nay là đa dạng, với tính chất rất nguy hiểm. Chúng đã kết hợp các hoạt động chống phá trên lĩnh vực tư tưởng với tổ chức lực lượng và trực diện đấu tranh chống chính quyền, đòi quốc tế hóa vấn đề dân tộc... để đi đến mục tiêu cao hơn là loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa, chia Việt Nam thành nhiều “quốc gia” trong sự khống chế của chúng. Những thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nhằm làm cho cuộc sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, các thủ đoạn chống phá điên cuồng đó của chúng có đạt được mục tiêu hay không còn phụ thuộc vào tinh thần cảnh giác, khả năng ngăn chặn sự chủ động tiến công của ta và quan trọng là phụ thuộc vào sự nhận thức đúng đắn các quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.
          Kế thừa truyền thống đoàn kết cùng nhau dựng nước và giữ nước, trung thành với quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta khẳng định vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài của cách mạng Việt Nam. Đảng ta luôn nhất quán thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc phát triển đi lên con đường văn minh, tiến bộ, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
          Xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam hiện nay, Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”
          Đại hội lần thứ XII của Đảng còn chỉ rõ “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tây duyên hải miền Trung... Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc; nghiêm trị những âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”
          Những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về dân tộc hiện nay có thể khái quát trên những nội dung cơ bản sau đây:
          Một là, vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam.
          Hai là, các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc.
Ba là, phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh – quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miên núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thông các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất.
 Bốn là, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự tương trợ, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước.
Năm là, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị.
Nhận thức đúng những quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về dân tộc ở trên, chính là nhiệm vụ thiết thực, hiệu quả trong tham gia phòng, chống lợi dụng dân tộc, góp phần đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
                                                                                        CẨN XUÂN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC