TỈNH TÁO TRƯỚC NHỮNG BỊA ĐẶT, XUYÊN TẠC VỀ LUẬT AN NINH MẠNG

Ngày 16-6-2018, Bộ Công an đã có thông tin chính thức về một số nội dung liên quan tới Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua. Theo đó, Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Với sự ra đời của Luật An ninh mạng tình trạng đăng các thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động bạo loạn, gây rối an ninh trật tự công cộng; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; gián điệp mạng, các hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật; tấn công mạng, khủng bố mạng; làm nhục, vu khống, xúc phạm lẫn nhau trên mạng… sẽ được xử lý triệt để và do đó mạng xã hội sẽ được phát triển lành mạnh, mang lại các lợi ích cho cá nhân và cộng đồng xã hội.
Bộ Công an cũng chỉ rõ, mặc dù được chuẩn bị kỹ lưỡng, được đa số đại biểu Quốc hội tán thành, nhưng do đây là đạo luật có quy định về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý trực tiếp các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng, nên vẫn còn có những ý kiến băn khoăn về nội dung luật. Một số đối tượng chống đối đã có hoạt động tuyên truyền, kích động biểu tình, chống phá Luật An ninh mạng, với các luận điệu như Luật An ninh mạng “chống lại loài người”, “bịt miệng dân chủ”, “đàn áp bất đồng chính kiến”, “tạo rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí cho doanh nghiệp”, “thêm giấy phép con”, “lạm quyền”, “cấm sử dụng Facebook, Google”...
Thực tế, đây là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, với mục đích cản trở hoặc gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước về an ninh mạng. Luật An ninh mạng không có những quy định nêu trên, không tạo rào cản, không tăng thủ tục hành chính, không cấp giấy phép con và không cản trở hoạt động bình thường, đúng luật của các tổ chức, cá nhân.
Luật An ninh mạng không vi phạm các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đồng thời, Luật An ninh mạng cũng không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, không cản trở tự do ngôn luận. Nếu ở trên mạng, chúng ta trình bày đúng quan điểm mà không vi phạm theo 29 điều quy định trong Bộ luật Hình sự thì không bị cấm. Bởi vì ngoài đời thật, các hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị cấm thì trên không gian mạng cũng bị cấm. Ví dụ như, việc đe dọa giết người, hướng dẫn mua bán vũ khí hay kích động biểu tình mang bom xăng đốt phá… ở ngoài đời thật thì bị xử lý mà trên mạng lại được thoải mái trình bày, đăng tải là bất hợp lý; các hành vi đó cũng cần phải cấm trên không gian mạng và nếu cố tình vi phạm sẽ phải xử lý theo Luật An ninh mạng. Cũng không có chuyện cơ quan chức năng sẽ theo dõi giám sát tất cả các tài khoản trên mạng xã hội. Mỗi người sử dụng mạng xã hội với mục đích tốt đẹp, làm ăn kinh doanh đúng pháp luật sẽ không phải lo lắng, sẽ không bị ảnh hưởng. Ngược lại, Luật An ninh mạng là hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ người dân khi thực hiện các hoạt động trên không gian mạng.
Thực tiễn trên thế giới, các nước đều có các luật quy định về cung cấp thông tin trên mạng xã hội để quản lý, giám sát và xử lý các hành vi lợi dụng không gian mạng để xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Như, Cộng hòa Liên bang Đức ban hành luật cho phép xử phạt 500.000 euro nếu mạng xã hội Facebook không hợp tác và gỡ bỏ thông tin sai sự thật. Các nghị sĩ Mỹ, nơi ra đời của Facebook, cũng đệ trình các dự thảo luật nhằm chống thông tin sai sự thật, nhất là trong bối cảnh những thông tin không được kiểm chứng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Ở Trung Quốc, luật an toàn thông tin mạng cũng vừa được ban hành, trong đó quy định rõ về việc cấm thông tin sai sự thật, thậm chí, họ còn cho phép sử dụng các biện pháp mạnh để chống những thông tin sai sự thật có thể ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
          Như vậy, việc soạn thảo, ban hành Luật An ninh mạng là xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn nước ta, bảo đảm lợi ích nhà nước, lợi ích doanh nghiệp và quyền hợp pháp của công dân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, mọi người dân cần cảnh giác, không để các thế lực xấu lợi dụng, dùng những thông tin xuyên tạc để đánh lừa, lôi kéo nhân dân đi biểu tình gây mất trật tự an toàn xã hội như trong thời gian vừa qua./.
                                                                      DŨNG ĐÀO

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

LIỆU NGÀY NAY GIAI CẤP CÔNG NHÂN CÓ CÒN BỊ BÓC LỘT?

HIỂU ĐÚNG NGHĨA CỤM TỪ “DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH, DÂN CHỦ, CÔNG BẰNG, VĂN MINH”

BỆNH KINH NGHIỆM, GIÁO ĐIỀU VÀ CÁCH KHẮC PHỤC